Skip Navigation Links


Chuyên đề


Thông tin nội tộc


Báo chí nói về NPT


Thông tin gần xa


Tổng số người truy cập



Liên kết Website


Phủ Tuy Lý Vương


Phòng Trấn Định Quận Công


Ban Hiếu sự SG


Phòng Phú Lương Công


Phòng Phong Quốc Công


Facebook
Phòng Tuy Biên Quận Công

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhóm chủ chiến của triều đình Đại Nam lúc ấy, đứng đầu là hai Phụ chính Đại thần ngài Tôn Thất Thuyết và ngài Nguyễn Văn Tường đã tích cực xây dựng các lực lượng bảo vệ đất nước. Và trước sự hống hách của viên thống tướng Pháp De Courcy, tướng Tôn Thất Thuyết đã huy động nhiều quan quân yêu nước tổ chức đánh úp quân Pháp vào tối 23 tháng 5 năm Ất Dậu, tức ngày 5/7/1885. Trong sự điều động ấy, tôi muốn giới thiệu một vị hoàng thân đã tham chiến và tử trận mà ít được tìm hiểu, biết đến, đó là công tử Nguyễn Phúc Hồng Thông.

1. Xuất thân trong gia đình hoàng tộc chủ chiến:

Theo gia phả, những ghi chép của phủ Phong Quốc Công, Đại Nam Liệt TruyệnNguyễn Phúc Tộc Thế Phả(1), ta được biết:

Vua Minh Mạng lấy bà phi thứ 17 tên là Lê Thị Lộc (18…-1847), phong bậc quý nhân(2), nên thường được gọi là bà Lê quý nhân.

Bà Lê quý nhân sinh ra 2 công chúa và 3 hoàng tử. Hoàng tử lớn là Trấn Biên quận công Nguyễn Phúc Miên Thanh (1830-1877) là hoàng tử thứ 51 của vua Minh Mạng. Hoàng tử thứ 2 của bà này là Phong Quốc công Nguyễn Phúc Miên Kiền (1831-1854), là hoàng tử thứ 55 của vua Minh Mạng…

Trấn Biên quận công Miên Thanh có nhiều con, trong đó có ngài Hồng Hàng (1849-1904), tập phong Kỳ Ngoại Hầu, làm việc ở Bộ Công, sau được thăng Kiền Hộ sứ(3), và sau này làm Tuần vũ tỉnh Quảng Trị(4).

Phong Quốc công Miên Kiền có nhiều con, trong đó có ngài Hồng Thông sinh năm Tự Đức thứ 4 (1851), ngài Hồng Chức (1851-1894)(5)ngài Hồng Tế (1853-1896)… là những nhân vật trọng yếu trong phái chủ chiến:

Ngài Hồng Hàng, ngài Hồng Chức và ngài Hồng Tế chỉ huy quân Phấn Nghĩa, tháng 10 năm 1883, được ông Tôn Thất Thuyết cử đến ám sát ông Trần Tiễn Thành(6) ở phố Chợ Dinh(7).

2. Sự nghiệp báo quốc:

– Năm Tự Đức thứ 22 (1869), ngài Hồng Thông được phong Qui Hậu Hương Hầu(8), và đến tháng 6 năm Tự Đức thứ 24 (1871), được phong lại là Phong Hương Hầu, tờ sắc viết như sau:

Sắc phong của vua Tự Đức phong ngài Hồng Thông tước Phong Hương Hầu

Phiên Âm:

Thừa Thiên hưng vận,

Hoàng đế nhược viết: Trẫm duy:

Vương giả tự luân chi hóa đôn thân thả dĩ tượng hiền. Triều đình diên liệt chi công tu đức năng hiển thế.

Trẫm ưng thừa lịch phục, kỳ thiệu hồng du. phụng tiền triều tôn tước phân phong trị long Chu Hán, Ngật kim nhật Thân phiên thế tập điển chước Minh Thanh.

Tư, nhĩ Hồng Thông, nãi cố Phong Quốc Công chi tử dã.

Ngân hoàng diễn phái – Ngọc điệp liên huy. Bất khiên bất vong lẫm cựu chương vu bang quốc.

Chỉ trung chỉ hiếu truyền nghĩa giáo vu gia đình.

Ý hạnh khả gia – Vinh phong tải tích.

Trứ chuẩn tấn phong nhĩ vi Phong Hương Hầu. Tích chi cáo mệnh.

Nhi kỳ kháp tuân lễ độ – Thận thủ điển thường.

Cát lũy kỳ bổn căn, phiên hàn tăng tráng,

Diệu tiêu ốc dĩ trạm lộ, phúc lý vĩnh tuy.

Khâm tai.

Tự Đức nhị thập tứ niên lục nguyệt sơ tam nhật.

Dịch:
Thừa Thiên hưng vận,

Hoàng đế ban rằng: Trẫm nghĩ:

Vương giả giáo hóa luân thường, đôn đốc người thân để có con hiền.

Triều đình công khai ban tước, tu thân sửa đức để cho vinh hiển.

Trẫm noi theo các đời – nối tiếp phép tắc.

Tiền triều phân phong tôn tước thịnh như Chu Hán.

Ngày nay Thân phiên thế tập(9) theo lối Minh Thanh.

Nay ngươi Hồng Thông, là con của cố Phong Quốc Công.

hoàng gia chi phái – Ngọc điệp nối danh.

Chẳng quên, chẳng sót tuân phép xưa đất nước.

Theo hiếu theo trung truyền dạy dỗ gia đình.

Nết hạnh đáng khen – Vinh phong ban thưởng.

Lệnh chuẩn tấn phong ngươi là Phong Hương Hầu.

Ban cho cáo mệnh.

Ngươi hãy: Tuân lấy lễ nghi – Gìn giữ phép tắc.

Đông đúc bồi vun gốc rễ càng thêm mạnh mẽ.

Tươi tốt thấm ướt mưa sương dài mãi phước tường.

Khâm tai.

Tự Đức năm thứ 24 (1871), ngày Mồng 3 tháng 6.

– Năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), ngài Hồng Thông được thụ chức Hồng Lô Tự Khanh(10) sung kiểm biện(11) Tiền Phong dinh.

Bài ngà Hồng Lô Tự Khanh (Sưu tập của tác giả)

– Rồi đến đời vua Hàm Nghi nguyên niên (1885), ngài Hồng Thông được vua ban “Chỉ dụ”(12) làm kiểm biện tại dinh Hổ Uy, sau đó cải sung làm kiểm biện dinh Long Võ:

Văn bản của Bộ Lại thời vua Hàm Nghi (1885) điều động ngài Hồng Thông làm kiểm biện Long Vũ dinh

Phiên Âm:

Lại bộ vi tuân lục Chỉ sự. Tư khâm phụng Thượng dụ nội nhất khoản: “Hồng Lô Tự Khanh sung Hổ Uy Dinh kiểm biện Hồng Thông chuẩn cải sung Long Vũ dinh kiểm biện dĩ sung chức thủ. Khâm thử” đẳng nhân. Triếp thử tuân lục khâm giao chấp chiếu. Tu chí Tuân lục giả.

Hữu tuân lục. Hồng Lô Tự Khanh sung Long Vũ dinh kiểm biện Hồng Quí chức chấp chiếu.

Hàm Nghi nguyên niên tam nguyệt thập thất nhật.

Dịch:
Bộ Lại với việc tuân lệnh sao chép.

Nay kính theo một khoản trong Chỉ Dụ: “Hồng Lô Tự Khanh(13) sung làm kiểm biện tại dinh Hổ Uy(14) là Hồng Thông được chuẩn cải đổi giữ chức kiểm biện tại dinh Long Vũ. Khâm thử”.

Vậy kính tuân lệnh sao chép để ban cho mà thi hành. Cho nên tuân theo mà sao chép.

Trên đây là tờ sao chép.

Hồng Lô Tự Khanh sung làm kiểm biện tại dinh Long Vũ là viên chức (tên) Hồng… thi hành.

Hàm Nghi năm thứ nhất (1885), ngày 17 tháng 3.

– Theo lời kể và gia phả của phòng Phong Quốc Công, chiều 22 tháng 5 năm Ất Dậu (tức ngày 4/7/1885), Ngài được lệnh của ông Tôn Thất Thuyết vào Đại Nội để “có việc”. Bà vợ của Ngài là Hồ Thị Ẩm sợ chồng mình có hoa bướm gì bên ngoài nên bồng con dại lén theo dõi chồng và vào Kinh Thành để đánh ghen, sau đó không ra cửa thành được vì lệnh “thiết quân luật”, đành phải xin vào Đại Nội thú thật với chồng, tạ tội vì đã nghi ngờ chồng và nhờ chồng dắt ra cổng! Đó là giờ phút chia ly giữa hai vợ chồng, mà sau này bà Ẩm không thể gặp lại chồng mình được nữa!, và bà biết nguyên nhân chồng mình vào Đại Nội làm gì để kể lại cho con cháu!

Đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885) quân ta tấn công Tòa Khâm Sứ và đồn Mang Cá. Sáng ngày 23 Pháp bất đầu phản công bắn phá Kinh thành Huế, và quân ta hoàn toàn thất bại.

Sau tiếng súng tắt hẳn, người anh rể của ngài Hồng Thông là ông Nguyễn Hữu Tuyễn, chồng bà Công Nữ Ủy Tình, đi lật tung từng xác chết trong Kinh thành Huế, song không tìm được tung tích gì về người em vợ; cho nên có lẽ Ngài đã tử trận lúc bảo vệ vua Hàm Nghi trên đường ra Quảng Trị mà theo gia phả là Ngài tử trận vào giờ Nhâm Thìn (7-9 giờ sáng); và chính vì không tìm thấy thi thể Ngài, nên khi mai táng, gia đình đành theo cách thầy pháp là dùng phép chiêu hồn nhập xác và bỏ cây Dâu thế mạng trong hòm mộ Ngài.

– Con trai của ngài Hồng Thông và bà Ẩm là ông Ưng Đam (1872-1952), sau này làm Thống chế Tiền quân Đô thống thời vua Khải Định. Trong binh lửa năm 1885, các văn bản của ngài Hồng Thông phần lớn bị cháy mất, nên năm 1905, ông Ưng Đam mới xin bộ Lại sao lục lại như sau:

Văn bản của Bộ Lại năm 1905 cho biết thời vua Kiến Phúc (1884), ngài Hồng Thông được sung làm kiểm biện Tiền Phong dinh

Phiên Âm:

Lại bộ vi tuân bằng cấp sự.

Cận cứ Trợ Quốc Khanh Ưng Đam bẩm tự cai cố phụ nguyên Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện Tiền Phong dinh Hồng Thông ư Hàm Nghi nguyên niên ngũ nguyệt nhật trận tễ, trú thự bị hỏa cáo sắc đẳng đạo nhất giai thiêu thất, bẩm khất cải cấp Bộ bằng lãnh hồi phụng tự đẳng ngữ. Bổn nguyệt nhật bổn Bộ phụng phiến thỉnh chiếu lệ cải cấp Bộ bằng nhất đạo (Kiến Phúc nguyên niên thất nguyệt(15) nhật thăng thụ Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện Tiền Phong dinh) phát giao phụng thủ. Khâm phụng chuẩn duẫn tại án. Nhiếp thử bằng cấp tuân phụng. Tu chí bằng cấp giả.

Hữu bằng cấp. Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện Tiền Phong dinh cố Hồng Thông tuân phụng.

Thành Thái thập thất niên thập nguyệt nhị thập tam nhật.

Dịch:
Bộ Lại về việc cấp văn bằng:

Gần đây theo lời bẩm của Trợ Quốc Khanh Ưng Đam thì cha đã mất của y nguyên là Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện tại dinh Tiền Phong là Hồng Thông chết trận vào tháng 5 Hàm Nghi nguyên niên, nơi công sở bị hỏa hoạn, các đạo Cáo sắc đều bị thiêu hủy hết, nên bẩm xin đổi cấp lại văn bằng của Bộ để đem về phụng thờ. Tháng này Bộ dâng phiến xin theo lệ mà cấp lại một văn bằng của Bộ (Tháng 7 năm Kiến Phúc thứ nhất được thăng thụ Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện ở dinh Tiền Phong) giao cho để giữ. Kính được chuẩn thuận cho thi hành. Nên tuân theo mà cấp văn bằng này.

Trên đây là văn bằng. Cố Hồng Thông nguyên là Hồng Lô Tự Khanh sung kiểm biện ở dinh Tiền Phong kính tuân theo.

Thành Thái năm thứ 17 (1905) ngày 23 tháng 10.

– Chỉ dụ của vua Hàm Nghi, cho thấy ngài Hồng Thông là một cận thần, gần gũi với vua Hàm Nghi, nên vua mới có lời ban; và qua hai văn bản thời vua Kiến Phúc (1884)(16), vua Hàm Nghi (1885) cho thấy Bộ Lại, do hai phụ chính đại thần đại diện cho phái chủ chiến là ông Nguyễn Văn Tường và ông Tôn Thất Thuyết, đã phối hợp điều động các võ tướng để lập mặt trận chống Pháp; trong đó, các anh em ruột cũng như anh em chú bác của ngài Hồng Thông(17) và chính ngài Hồng Thông đã nhiều lần được điều động qua nhiều dinh(18) để kiểm tra công tác chuẩn bị, cũng như tham gia chống Pháp, bảo vệ đất nước, bảo vệ vua Hàm Nghi…

3. Đôi lời mặc niệm:

Trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị xâm lược, được nghe kể về sự nghiệp chống xâm lăng của ngài Hồng Thông, lòng ta không khỏi bồi hồi cảm xúc…

Tuy không xuất hiện trong chính trường như một nhân vật lớn mà chỉ tham gia một trận đánh, nhưng Ngài đã bỏ cả mạng sống của mình để bảo vệ đất nước trước xâm lược của ngoại bang, sự hy sinh ấy rất đáng trân trọng và rất cần được ghi nhớ để vun đắp cho thế hệ sau:

(Đăng sơn thiên cổ vị báo quốc)

(Phu thê nghĩa trọng nguyện phân ly)

Đó là câu đối được khắc trên mộ ngài Hồng Thông, nghĩa là:

Đất nước ơn sâu, chưa trả đã đành lên núi,

Vợ chồng nghĩa nặng, không tròn vẫn nguyện chia tay.

Thư Hương Các, kỷ niệm 130 năm Thất thủ Kinh đô.

NAH

* Bài viết được sự giúp đỡ về mặt tư liệu của ông Vĩnh Hượt (phòng Phong Quốc Công), tác giả xin chân thành cảm ơn.

Chú thích:

1. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1995.

2. Bậc thứ 7 trong Cửu giai.

3. Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, trang 309.

4. Xem: Đào Duy Anh, “Les Grandes Familles de l’Annam, S.E. Trần Tiễn Thành”, B.A.V.H, No 2, Avril-June, 1944, pp 153.

5. Tờ sắc năm 1882 viết như sau: “Sắc Tôn thất Hồng Chức nhập Giám mãn lệ học hạnh khả kham tòng chính. Tư lại bộ nghĩ bổ cụ đề. Chuẩn nhĩ bổ thụ Tòng Bát phẩm lãnh Binh bộ khảo Công ty Chánh Bát phẩm Chánh ngạch, suất bản ty nhân dịch tòng tá lãnh viên phụng hành công vụ. Nhược sở sự phất kiền hữu quốc pháp tại. Khâm tai. Tự Đức tam thập ngũ niên thất nguyệt sơ ngũ nhật. (Nghĩa là: Sắc cho Tôn thất Hồng Chức đã học đầy đủ theo quy định của Quốc Tử Giám, học hạnh có thể theo được chính sự. Nay Bộ Lại đề nghị bổ dụng, chuẩn cho ngươi bổ thụ hàm Tòng Bát phẩm lãnh việc của Chánh Bát phẩm Chánh ngạch ở Khảo Công ty thuộc Bộ Binh để dẫn dắt người trong ty theo giúp đỡ người điều hành trong công vụ. Nếu chẳng kính cẩn làm việc thì đã có phép nước. Kính thay. Tự Đức năm thứ 35, ngày mồng 5 tháng 7)”.

6. Xem: Đào Duy Anh, Bài đã dẫn. Lúc ấy ông Trần Tiễn Thành đứng đầu nhóm chủ hòa, chủ trương nghị hòa với thực dân Pháp.

7. Nay là đường Chi Lăng.

8. Theo gia phả của phòng Phong Quốc Công.

9. Thân phiên: chỉ các hoàng tử làm phên giậu cho triều đình. Thế tập: là tập phong tước nối đời này sang đời khác.

10. Xem văn bản thời vua Thành Thái (1905) ở phía dưới.

11. Kiểm biện là một vị quan có chức trách kiểm tra, giám sát các hoạt động của một dinh trại quân đội.

12. Chỉ dụ: là lời ban của vua.

13. Hồng Lô Tự Khanh là tên một tước ngang với hàm Chánh tứ phẩm, với tước Khanh này có nhiều loại, như Thái Thường Tự Khanh, Thái Bộc Tự Khanh, Hồng Lô Thiếu Khành, Thái Thường Thiếu Khánh, Trợ Quốc Khanh … Chữ Hồng về sau kỵ húy nên đọc trại thành Hường, và người có tước Hồng Lô Tự Khanh thường được gọi là ông Hường.

14. Hổ Uy dinh là đơn vị quân đội thuộc phường Quả Cảm, phường này có tất cả 3 dinh do 1 viên thống chế trông coi. Còn Long Vũ dinh ở phường Triêm Hóa.

15. Tuy niên hiệu Kiến Phúc sử dụng hết năm 1884, nhưng vua Kiến Phúc đã mất từ tháng 6 năm Giáp Thân, do vậy, công việc điều hành từ tháng 7 là công việc của vua Hàm Nghi, như vậy, việc điều động ngài Hồng Thông làm kiểm biện giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động của các dinh quân đội đều là chủ trương của vua Hàm Nghi.

16. Được sao lại thời Thành Thái (1905) như đã công bố ở phần trên.

17. Hồng Chức, Hồng Tế và Hồng Hàng.

18. Tiền Phong dinh, Hổ Uy dinh và Long Vũ dinh.








Số Tài Khoản


Tải về:

Hoàng tộc lược biên

Nguyễn Phúc tộc thế phả


Bản đồ

 


Yahoo Chat

Hổ trợ về Website

Bảo Ky

 

Hổ trợ về Website

Bảo Quyến


Skype Call

Hổ trợ về Website

Bảo Kỳ

Hổ trợ về Website

Bảo Quyến


Liên kết Website
Quảng cáo


Hỗ trợ khám - chữa bệnh tại Singapore
Mr. Bảo Quyến, Giám đốc tư vấn.
Tel: 0903 666882



CTY Bảo Kỳ VN


Nguyễn Phúc Tộc Tôn Phả