(CAO) Khu biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng được xây dựng trái phép trên khu đất hơn 6.000m2 do mẹ vợ của một Giám đốc Sở đứng tên.
Biệt phủ đồ sộ, hoành tráng
Chiều tối 21-1-2016 (ngày 12-12-2015 âm lịch), xe tải BS: 75K-2176 chở một cây sứ cổ thụ từ điện Kiến Trung (Đại nội Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đi theo cổng Hòa Bình rồi đi qua các tuyến đường Đặng Thái Thân, Lê Huân, Cửa Nhà Đồ, Lê Duẩn, Kim Long rồi hướng lên phía đường tránh TP.Huế, sau đó mất hút.
Quá trình vận chuyển khá khó khăn vì cây sứ cồng kềnh gây cản trở, mất an toàn giao thông khiến người đi đường bức xúc, tò mò không biết cây sứ chuyển đi đâu và vì sao lại chuyển vào ban đêm? Có nguồn tin cho rằng cây sứ được vận chuyển đến khu nhà vườn của một lãnh đạo.
Cổng hoành tráng của khu biệt thự
Nhiều ngày sau đó, dư luận phản ánh cây sứ được chở đến một ngôi biệt thự nằm trên một khu đất rộng hàng nghìn m2 trên đường Dạ Lê (thuộc tổ dân phố 4, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) – đường nối giữa Quốc lộ 1A và đường tránh TP.Huế.
Từ ngã ba Dạ Lê – Quốc lộ 1A đi theo đường Dạ Lê khoảng 1,5km nữa là rẽ phải theo con đường bê tông. Đi thêm khoảng 200m là đến cổng ngôi khu nhà vườn biệt thự. Cổng được dựng bằng sắt thép rất hoành tráng, án ngữ 2 bên là hai cây sưa (cây gỗ có giá trị cao) loại lớn, cành lá xum xuê.
Đi vào trong, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước sự bề thế của khu nhà vườn này. Ở đây có 2 ngôi nhà rường hình chữ nhật và hình lục giác với tổng diện tích 150m2 rất nguy nga, tráng lệ bởi vật liệu bằng gỗ quý và kiến trúc rất đẹp. Để dựng được ngôi nhà này cần phải có bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của thợ giỏi.
Những ngôi nhà rường, hồ nước trong biệt thự
Nhìn chung kiến trúc của những công trình trong khu biệt phủ này được xây dựng theo lối nhà rường ở Huế xưa. Bên cạnh đó, hệ thống cây cảnh quý hiếm, đắt tiền như: cây sưa, lộc vừng (mưng), mai vàng, tùng, sanh,... được trồng xung quanh các khu nhà, hai bên các lối đi. Bố trí ở các sảnh bên ngoài những căn nhà rường là những tấm phản gỗ lớn, trông rất đẹp mắt.
Xa xa các ngôi nhà một chút là một bờ kè kiên cố để che chắn ao hồ rộng lớn hàng nghìn m2, dưới hồ là một bầy vịt đang bơi lội,… Trên bờ hồ có 10 cái chòi được xây dựng để câu cá thư giãn. Xa xa bờ hồ nữa là nhiều con lợn rừng (khoảng hơn 30 con) chạy nháo nhác khi thấy người lạ.
Khu nhà vườn được xây hàng rào tứ phía rất kiên cố bởi bê tông cốt thép, có lưới B40 bên trên. Đặc biệt, trong khu biệt thẹ có 3 cây sứ trắng thuộc hàng cổ thụ tuổi đời dự đoán hàng chục đến hàng trăm năm.
Một trong ba cây sứ cổ thụ nằm ở khuôn viên biệt thự
Bên trong là chiếc xe ôtô bán tải, gắn biển kiểm soát xanh dùng để vận chuyển vật liệu trong khu nhà vườn. Các công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện nhưng cảnh quan bên trong “biệt phủ” khiến người đến thăm có cảm giác như đang lạc vào một vương phủ nào đó.
Khi chúng tôi đến có 5 người đang nằm nghỉ trưa. Đây là những công nhân, thợ xây dựng tại nhà vườn. Những người này cho biết cứ khoảng 3 – 4 ngày là ông Sơn (Huỳnh Ngọc Sơn) – Giám đốc Sở Tài chính, Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên – Huế lại đến thăm công trình.
Biệt phủ mang tên mẹ vợ nhưng tiền của ai?
Ông Võ Thanh Bình - Trưởng phòng TN&MT thị xã Hương Thủy cho biết, khu đất trên đứng tên của bà Trương Thị Kim (SN 1945, địa chỉ thường trú xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) là mẹ vợ của ông Huỳnh Ngọc Sơn.
Khi phóng viên phản ánh sự việc, lãnh đạo, cán bộ phường Thủy Phương bày tỏ bất ngờ trước những thông tin về việc xây dựng rầm rộ, hoành tráng trong khu biệt thự và khẳng định việc xây dựng này chưa thấy báo cáo với chính quyền địa phương.
Khu ao hồ để chăn nuôi
Ông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy xác nhận: “Ngay khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, chúng tôi đã chỉ đạo UBND phường Thủy Phương tiến hành kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý”.
Vào ngày 1-9-2016, UBND phường Thủy Phương chỉ đạo lực lượng kiểm tra về các công trình xây dựng trên khu đất rộng 8.580.9m2 thì thấy không có các giấy tờ của cấp có thẩm quyền cho phép bà Kim xây dựng các hạng mục trên.
UBND phường lập biên bản hành chính và yêu cầu ngừng thi công. Biên bản được lập không có chủ nhân khu đất mà chỉ có nhóm công nhân đang làm việc.
Một ngày sau, bà Kim mới tức tốc từ Quảng Nam ra khu nhà và 3 ngày sau nữa gửi đơn tường trình đến UBND phường Thủy Phương trình bày toàn bộ sự việc, thừa nhận toàn bộ việc xây dựng từ thời điểm đầu năm 2016 là chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Ngôi nhà của ông Sơn luôn đóng cửa
Ngày 7-9, UBND phường Thủy Phương ban nhành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Kim với số tiền 2 triệu đồng; đồng thời buộc chủ nhân phải khắc phục hậu quả: đối với công trình xây dựng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì yêu cầu bà Kim phải làm thủ tục hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng.
Đối với công trình xây dựng chưa đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng (như công trình trên đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản) theo quy định pháp luật thì bà Kim phải làm đầy đủ các thủ tục để được cấp phép theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày khi nhận được Quyết định, nếu bà Kim không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ thực hiện các biện pháp tháo dỡ theo quy định.
Khu đất rộng gần 8.600m2 trên đất mang tên bà Kim. Tuy nhiên, dư luận cho rằng đó đất và tài sản trên đất thực tế là của ông Sơn. Bà Kim đã cao tuổi, thỉnh thoảng mới đến ở khu vực trên.
Quyết định xử phạt hành chính về việc xây dựng trái phép của khu biệt thự hàng chục tỷ đồng trên khu đất rộng gần 8.600m2
Để rộng đường dư luận, đảm bảo khách quan, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với ông Sơn nhưng bất thành. Khi đến trụ sở làm việc thì được biết ông Sơn đi công tác, đi du lịch ở Hà Nội, đến nhà ở thì cửa đóng kín, khóa cẩn thận; điện thoại nhiều lần nhưng số điện thoại của ông Sơn không liên lạc được.
Hoàng Quân