Hoàng bào thường triều của vua Đồng Khánh
Sáng 21.12, triển lãm Vàng son nhung gấm với những hiện vật gốc tiêu biểu, quý hiếm gồm trang phục, vật dụng cung đình thời Nguyễn được Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và một số nhà sưu tập dày công sưu tầm, gìn giữ sẽ được giới thiệu đến công chúng phương nam.
Không gian phòng trưng bày được thiết kế như một buổi thiết triều: chính giữa là trang phục của vua; bên tả dành cho trang phục, vật dụng các quan võ; hữu dành cho quan văn và phía sau dành cho nữ phục cung đình. Người xem sẽ thấy ở đây nhiều hiện vật quý: mũ chánh tam phẩm văn ban, mũ xuân thu của quan văn, áo thường triều quan võ nhị phẩm, áo thường triều quan văn tam phẩm, trấn phong thiếp vàng của hoàng gia... và các trang sức: trâm bạc, trâm ngọc, vòng vàng, nhẫn vàng... trong cung đình xưa. Đáng chú ý là nhóm trang sức của bà Trần Thị Hiệu, trong đó có 2 chiếc vòng đeo tay bằng vàng với hình dáng, trọng lượng và kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, giống với đôi vòng đeo tay tìm thấy bên phần mộ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu và những chiếc nhẫn cẩn đá quý tìm thấy bên phần mộ bà Châu Thị Tế, được phát hiện trong khu lăng mộ tại triền núi Sam (An Giang).
Để có cuộc trưng bày quy mô tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM lần này, ngoài những hiện vật có từ trước, bảo tàng đã chủ động tìm kiếm để mua hiện vật từ 10 năm nay. Một đại diện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tiết lộ: “Năm 2013, một nhà sưu tập nổi tiếng ở Huế muốn bán bộ sưu tập gồm 1 áo vua, 1 áo hoàng hậu và phẩm phục của các quan văn võ... với số tiền khá cao. Nhận thấy đây là sưu tập hiện vật rất giá trị, nhiều chuyên gia và lãnh đạo tâm huyết đã thuyết phục được lãnh đạo TP quan tâm, tạo điều kiện cấp kinh phí cho bảo tàng mua ngay”.
Mũ tòng nhất phẩm võ ban của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong
Những hoàng bào lần đầu được triển lãm
Tại triển lãm, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng tận mắt 4 chiếc hoàng bào quý mà cho đến nay, qua tư liệu hiện biết, thì Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là nơi duy nhất ở VN còn lưu giữ, trong đó có 3 chiếc chưa từng triển lãm lần nào.
Ông Lương Chánh Tòng, cán bộ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, thông tin: “Hoàng bào thứ nhất thuộc loại hình áo tay rộng, kích thước rộng ngang tay 242 cm, dài 126 cm. Thuộc loại hình áo vua sử dụng trong lễ đại triều. Phía trước và sau lưng đều thêu rồng 5 móng trong tư thế nhìn chính diện, trên nền thêu rồng mây, thủy ba và các dạng vân xoắn... phía trên đầu rồng thêu chữ Vạn thọ. Phía trong lót vải chính sắc và trừu xanh ở phần tà. Hiện chưa xác định được chủ nhân và niên đại tuyệt đối. Tuy nhiên, căn cứ vào một số đặc điểm về đồ án hoa văn cũng như sắc vải, có thể chiếc áo này có niên đại nửa sau thế kỷ 19.
Hoàng bào thứ hai được xác định là áo của vua Đồng Khánh thuộc loại hình áo mặc trong các lễ thường triều. Áo may có dạng hình thang, ống tay áo dưới hơi bầu, vạt kép bên trong áo rộng 50 cm. Giữa vạt thêu một rồng 5 móng, mặt nhìn chính diện, kết hợp với các đề tài lưỡng long tranh châu, hình trùng (dơi - phúc), chữ Thọ, mây ngũ sắc... Cổ áo đứng, hai bên có thêu hình hai hình trùng đối xứng, phía sau cổ áo thêu chữ Thọ tròn. Dọc theo chiều dài vạt áo là 3 hàng chữ Thọ thêu nổi bằng chỉ kim tuyến màu vàng. Trong làn lụa lót ở ngực áo có chữ Hán bằng mực đỏ Đồng Khánh ngự lãm.
Hoàng bào thứ ba thuộc loại hình áo hẹp tay, chất liệu sa trơn màu vàng chính sắc, chính giữa vạt ngoài của áo thêu một con rồng lớn 5 móng đang trong tư thế uốn cong hình chữ U từ trái qua phải, mặt rồng nhìn chính diện, đan xen là các loại hình hoa văn mây, châu ngọc phát sáng. Áo có kích thước dài 115 cm; rộng 146 cm, hẹp nhất ở tay 14 cm. Cả ba hoàng bào này chưa triển lãm lần nào”.
Cũng theo ông Tòng, trong bộ sưu tập về hoàng bào, đáng chú ý là hiện vật hoàng bào của vua thời Nguyễn có số đăng ký BTLS.34526 thuộc loại hình áo hẹp tay, xẻ tà, có hai lớp. Lớp ngoài chất liệu vải sa, màu vàng cam, phía trước và lưng áo thêu đề tài viên long, trùng (dơi - phúc), thủy ba, hoa quả thiêng - bát bửu (phật thủ, hoa sen, hoa cúc...), chữ Thọ, lớp trong chất liệu trừu hoa đỏ. Cúc cài áo được đính ở bên trái. Áo có kích thước: dài 106 cm, rộng ngang tay 146 cm, rộng tà 83,5 cm, hẹp cửa tay 14 cm, rất tiếc cho đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc, chủ nhân và niên đại của hoàng bào rất tinh xảo này. Căn cứ vào các đặc điểm của hoàng bào, kết hợp với tra cứu các nguồn sử liệu thời Nguyễn có những nhận định ban đầu cho thấy chiếc hoàng bào này có các đặc điểm gần trùng khớp với một số ghi chép về điển chế về mũ áo của vua thời Minh Mạng và Thiệu Trị. So sánh về màu sắc và kỹ thuật, nghệ thuật, loại hình hoa văn với chiếc áo của vua Đồng Khánh thì chiếc hoàng bào này có niên đại sớm hơn.
Vòng đeo tay tìm thấy trong mộ bà Trần Thị Hiệu. ẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Nhiều hiện vật có một không hai
Cùng với những loại hình áo của vua, hoàng hậu, hoàng thái tử; trang phục của các bà phi, công chúa và các quan trong triều đình được sưu tầm ở khu vực phía tây kinh thành Huế và một số địa phương ở Quảng Trị, Quảng Bình..., lần đầu tiên người xem cũng được dịp chiêm ngưỡng chiếc mũ thuộc loại hình phẩm phục tòng nhất phẩm võ ban, cùng những vật dụng cá nhân độc nhất vô nhị: kính soi 1 mắt, thẻ lệnh đeo, cúc áo, cân đai, trâm, cây lấy ráy tai... của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong, em trai của Tả quân Lê Văn Duyệt từng giữ chức Phó tổng trấn Bắc thành được khai quật vào năm 1961. Niên đại bộ phẩm phục được xác định vào những năm đầu thế kỷ 19.
Triển lãm còn có chiếc mão Thiên vương Thống chế do Nha Hàng không của Việt Nam Cộng hòa khai quật và di dời lăng mộ phát hiện được khi mở rộng sân bay Biên Hòa năm 1962, cùng nguyên bộ phẩm phục mặc trên di cốt. Từ các đặc điểm trang sức đính trên phần mão, các nhà nghiên cứu đã xác định và phục nguyên lại chiếc mão cho thấy đây là vị quan võ hàm chánh tam phẩm.
Lê Công Sơn
Cổ Vật Triều Nguyễn ( Nẻo về nguồn cội )
Chiêm ngưỡng sách vàng, ấn vàng báu vật triều Nguyễn | VTC