Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ những giá trị kinh tế - xã hội của miền Nam đều bị xóa bỏ và thay thế bởi những khái niệm, chuẩn mực mới của miền Bắc XHCN. Riêng về lịch sử, triều Nguyễn (1802 – 1945) chịu sự phê phán, lên án hết sức nặng nề. Tất cả đường phố Sài Gòn có biển tên vua quan triều Nguyễn đều bị xóa bỏ, thay bằng những tên khác như Nguyễn Hoàng (bị thay bằng Trần Phú), Gia Long (Lý Tự Trọng), Thành Thái (An Dương Vương), Minh Mạng (Ngô Gia Tự), Hiền Vương (Võ thị Sáu), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng tháng 8), Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng), Nguyễn Huỳnh Đức ( Huỳnh Văn Bánh), Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ), Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Võ Tánh ( Hoàng văn Thụ) v.vv... Những ngôi trường miền Nam nổi tiếng một thời, mang tên vua chúa và các khai quốc công thần triều Nguyễn cũng chịu chung số phận bị xóa tên như Gia Long, Petrus Ký, Lê Văn Duyệt, Trịnh Hoài Đức, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản... Đặc biệt địa danh "Gia Định" để chỉ một vùng đất là thủ phủ miền Nam đã tồn tại hơn 200 năm cũng bị xóa mất. Sách giáo khoa và tham khảo trong nhà trường phổ thông dùng những từ ngữ hết sức "cay nghiệt" khi nói về các vua chúa nhà Nguyễn: "...Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập nên triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân... Triều Nguyễn là vương triều tối phản động... Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em... "Chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847),Tự Đức (1847-1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế".(1)
Nhiều thế hệ học sinh đã được học những bài học lịch sử với quan điểm đánh giá cực đoan như vậy, nên không trách trong một thời gian dài, rất nhiều những ngộ nhận oan sai, thậm chí lòng căm thù đối với nhà Nguyễn tỏ ra "hết sức sâu sắc". Thực ra, các vua chúa triều Nguyễn cũng có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp mở nước và thống nhất đất nước, chấm dứt nội chiến...mà vì nhiều lý do, người ta cố tình bỏ quên hoặc lãng tránh nhắc đến các sự kiện đó, hoặc buộc phải nhắc đến thì lại cố tình gán ghép cho những động cơ sai trái, suy diễn theo hướng có tội. Đó là một thái độ không công bằng, thiếu tôn trọng sự thật khách quan, thiên lệch và bóp méo lịch sử. Bài viết này không có tham vọng "tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" (Kiều), cũng không nhằm biện minh cho những sai lầm của nhà Nguyễn trong quá khứ, chỉ mong cung cấp những sự kiện lịch sử có thật để bạn đọc có một cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn từ đó có những nhận xét công tâm về nhà Nguyễn, một vương triều vẫn đang có nhiều tranh cãi trong quá khứ và cả hiện tại.
Ghi chú:
1. Lịch sử Việt Nam, tập I,Ủy Ban Khoa học- xã hội Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1971.
1. Khai Hoang Mở Cõi:
a/. Vùng đất hứa của dân phiêu tán:
Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng xin vào Nam trấn thủ đất Thuận Hóa (2),"Ô châu ác địa" không ngờ là mảnh đất dung thân, nơi các Chúa Nguyễn đứng vững và mở đầu cuộc Nam tiến của dân tộc Việt suốt hai thế kỷ, trải chín đời chúa. Văn thần triều Lê – Trịnh là Lê Quý Đôn mặc dù đứng trên lập trường đối nghịch cũng viết những nhận xét khách quan về Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) trong Phủ Biên tạp lục như sau:"Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dụng pháp công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ ( Thuận Hóa- Quảng Nam) thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng..." .(3)
Nửa cuối thế kỷ 16, cuộc chiến tranh Lê – Mạc đã vắt cạn kiệt nguồn lực của xứ Bắc Hà, đói kém, mất mùa liên tiếp khiến dân cư hết sức khổ sở, tạo thành một làn sóng di dân vô vùng đất phía Nam của chúa Nguyễn. Đại Việt Sử ký toàn thư (4) ghi chép lại tình cảnh khốn cùng của dân Đàng Ngoài qua các năm như sau:
...(Năm 1570) Bấy giờ nhân dân các huyện ở Thanh Hoa tan tác tháo chạy, ruộng đồng bỏ không cày cấy, nhiều người bị chết đói...... (Năm 1571) Năm ấy đất Thanh Hoa mất mùa, dân đói to, nhiều người xiêu giạt...... (Năm 1572) Năm ấy, các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, dân đói to, lại bị bệng dịch, chết đến quá nửa, nhiều người xiêu giạt, kẻ thì lần vào Nam, người thì giạt ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều... (Năm 1589) Ngày 15, mặt trăng phạm vào sao Tuế. Đại hạn, Gạo kém. Nhiều người xiêu tán... (Năm 1592) Tháng 7 ngày mồng 6, lụt thình lình, nước sông chảy tràn, gò đống bị ngập, đạo Thanh Hoa lúa má mất mùa. Ngày 15 lại bị lụt. Dân miền Tây Nam cũng bị đói kém... (Năm 1594) Bấy giờ nhân dân các huyện ở Hải Dương mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba... (Năm 1595) Bấy giờ nhân dân mất mùa, đói to, lại thêm ôn dịch, người chết xác gối lên nhau... (Năm 1596) Bấy giờ đại hạn, thóc lúa vụ chiêm đều không thu được, đầm phá khô cạn, cây cỏ úa vàng, hoa không kết trái. Trộm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến bảy tám trăm đứa, bọn nhỏ cũng không dưới vài trăm, ngày đêm đốt phá nhà cửa, cướp đoạt của cải gia súc, thủy bộ không thông, đường sá bế tắc, dân đói nhiều, chết đến quá nửa...
Có thể nói, hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam sau khi được Nguyễn Hoàng an định, đã trở thành vùng đất hứa cho hàng ngàn người dân trải dài từ Thăng Long đến Thanh Nghệ, họ là nạn nhân của những năm mất mùa đói kém và chiến tranh thảm khốc giữa nhà Lê và nhà Mạc (5). Đợt di dân tự nguyện này cũng giúp giải quyết áp lực dân số trên một vùng đất nông nghiệp có giới hạn, mở đầu cho các cuộc Nam tiến sau này, những cuộc di dân đã làm tăng thêm sức mạnh dân tộc và giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ bị Hán hóa.
b/. Mở cửa thị trường trong nước, đẩy mạnh giao thương với các thương nhân nước ngoài:
Chính sách trọng thương của chúa Nguyễn đã khuyến khích các thương nhân nước ngoài vào làm ăn buôn bán khiến các thương cảng Thanh Hà, Hội An ở Đàng Trong trở nên sầm uất phát đạt lôi kéo theo các nghề thủ công, tiểu thủ công như trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, gốm sứ, nghề gỗ, đóng tàu... phát triển đến cực thịnh. Nguồn thu thuế, lợi tức từ việc trao đổi mua bán hàng hóa chính là nguồn hỗ trợ chu cấp quân lương cho chúa Nguyễn trong cuộc chiến với Đàng Ngoài. Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh khiến hàng hóa Nhật muốn vào Trung Quốc và ngược lại đều phải trung chuyển qua các cảng Đàng Trong, vô tình khiến các thương cảng Hội An Thanh Hà càng thêm sầm uất. Số tàu buôn Trung Hoa đến thương cảng Hội An từ 1647 đến 1720 nhiều hơn số tàu đến bất cứ nước nào khác trong vùng (Bắc Hà 63 tàu, Chân lạp 109 tàu, Xiêm 138 tàu, Indonesia 90 tàu và Hội An là 203 tàu). (6)
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, một người quê gốc Bình Định và có thiên kiến với triều Nguyễn cũng phải nhìn nhận: " ...nhìn lại trong sự phát triển quyền lực của họ Nguyễn, căn bản tổ chức tuy là theo khuôn mẫu của một chính quyền phương Đông nhưng trong tình thế riêng biệt của vùng và của thời thế, yếu tố thương mại đã có dáng quan trọng đến mức chứa chấp cả sự hưng vong của dòng họ. Không phải chỉ vì nhu cầu tự vệ với Trịnh mà Nguyễn bị buộc phải củng cố phát triển. Trong một trăm năm ngưng chiến, họ vẫn trên đà gia tăng cường thịnh để có những toan tính dòm ngó đất Đàng Ngoài, và chuẩn bị xưng vương lập nước...".(7)
Nhà du hành hàng hải người Anh John Barrow (1764-1848) là một người vận động cho công cuộc giao thương giữa công ty Đông Ấn và xứ Nam Hà (8) đã có những nhận xét về kinh tế Đàng Trong như sau: " ...Theo ý tôi, sự liên kết thân thiết với Nam Hà sẽ mở ra một con đường lớn cho việc thực hiện mục tiêu này. Đất nước này sẽ cung cấp nhiều mặt hàng có giá trị thích hợp với thị trường Trung Quốc, và sẽ mở ra một lối thoát rất lớn để tiêu thụ nhiều hàng hóa của chúng ta, và vị trí của nó nằm trên con đường đi thẳng từ Anh tới Trung Quốc là một điều không thể không suy nghĩ. Chẳng hạn như những khu rừng Nam Hà sẽ cung cấp nhiều loại gỗ hương liệu khác nhau như hồng đào, trầm hương, kỳ nam... tất cả đều được tán thưởng ở thị trường Trung Quốc, được trả với giá cực kỳ cao. Quế chi xứ Nam Hà, mặc dù hơi thô và hương vị cay nồng, nhưng người Trung Hoa vẫn thích nó hơn thứ quế Tích Lan (Ceyland)... Gạo là nhu cầu không thể thiếu của thành phố Quảng Châu đông đúc, còn đường và hạt tiêu cũng đều được hoan nghênh, tất cả các mặt hàng này đều được sản suất dồi dào trong các thung lũng phì nhiêu xứ Nam Hà. Ngoài những sản vật này, còn có thể kể thêm cau, sa nhân, gừng và các loại gia vị khác, cùng những tổ chim yến thu lượm được rất nhiều trên những cụm lớn các đảo chạy song song với bờ biển mà trên các hải đồ có tên là Paracels (Hoàng Sa)...". (9)
c/. Mở rộng biên cương vạn dặm:
Nhà sử học Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược (Chương VI: Công việc họ Nguyễn làm ở miền Nam) đã viết: "Còn những công việc họ Nguyễn làm ở phía Nam quan trọng cho nước Nam ta hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lớn lắm vậy". (10)
Đầu thế kỷ 17, xứ Quảng Nam (gồm cả Quảng Ngãi và Quy Nhơn) là vùng đất cực nam của Đại Việt giáp với Chiêm Thành. Năm Tân Hợi (1611) chúa Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên, chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Năm Quý Tỵ 1653, vua nước Chiêm là Bà Thấm sang quấy nhiễu ở đất Phú Yên, chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh. Bà Thấm xin hàng. Chúa Nguyễn lấy đất đặt làm phủ Diên Khánh ( Khánh Hòa bây giờ).
Năm Quý Dậu 1693, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đi đánh, bắt Bà Tranh đem về Phú Xuân, đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ, qua năm 1697 lại đổi làm phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Rí, Phan Rang làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa. Nước Chiêm Thành bị diệt.
Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh làm Khâm sai Kinh lược sứ, vào nam lập phủ Gia Định gồm hai huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn (11); lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và tha thuế để khuyến khích khai khẩn ruộng đất. Những người Tàu di dân ở đất Trấn Biên thì lập làm xã Thanh Hà, những người ở đất Phiên Trấn thì lập làm xã Minh Hương. Những người Tàu này đều thuộc sổ bộ dân nước ta. Phủ Gia Định khi ấy dân số ước chừng bốn vạn hộ (20 vạn người).
Năm 1708, Mạc Cửu cai quản đất Hà Tiên (kể cả Phú Quốc) xin thuộc về Đàng Trong. Chúa Nguyễn chấp thuận, lập ra trấn Hà Tiên, để Mạc Cửu làm Tổng binh giữ đất ấy.
Năm 1732, vua Sâtha của Chân Lạp xin cắt hai vùng Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Nguyễn Phúc Trú (Thái) để tạ ơn dẹp loạn. Chúa Nguyễn đặt dinh Long Hồ và lập châu Định Viễn.
Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn cho nối chức, tiếp tục mở rộng Hà Tiên đến Rạch Giá và Cà Mau. Năm 1757, chúa Nguyễn đặt ra đạo Kiên Giang (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau) đều thuộc về Trấn Hà Tiên.
Năm 1753, vua Chân Lạp là Chey Chêtthâ V (tức Nặc Nguyên) bị chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh cử binh phạt tội vì thông sứ với chúa Trịnh và ức hiếp người Côn Man (dân Chămpa lưu vong). Năm 1755 vua Chân Lạp bị đánh thua, bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ giúp tâu với chúa Nguyễn xin nộp hai vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp (Tân An và Gò Công) để tạ tội. Chúa Nguyễn cho nhập hai vùng đất ấy vào châu Định Viễn.
Năm 1759, Nặc Nguyên mất, chú là Nặc Nhuận xin dâng hai vùng đất Trà Vinh và Sóc Trăng để được công nhận là vua Chân Lạp. Đến đây thì toàn bộ bờ biển hình chữ S của nước ta đã định hình.
Năm 1760, Nặc Nhuận bị rể là Nặc Hinh giết chết. Quan tổng suất triều Nguyễn là Trương Phúc Du đem quân sang đánh. Nặc Hinh thua chạy và bị giết. Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn (Ang Tong) được lên nối ngôi vua Chân Lạp, xin dâng đất Tầm Phong Long ( Sa Đéc) để tạ ơn. Đến đây thì quá trình Nam tiến kể như hoàn tất.
Nặc Tôn lại dâng năm phủ là Kampot, Kompong Som, Chal Chun, Bantey Méas, và Raung Veng để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho nhập tất cả vào trấn Hà Tiên. Năm 1841, vua Thiệu Trị trả năm phủ ấy lại cho Chân Lạp, ngày nay là hai tỉnh Kampot và Tà Keo.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết những dòng ray rứt: "Nhà Nguyễn đã có công lao rất lớn đối với nước Việt Nam, đó là một sự thật hiển nhiên, vậy mà không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị bóp méo đến biến dạng, bị sai lệch đi trong cái nhìn chính thống, bị hạ thấp một cách oan ức về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa, bị ruồng bỏ nhiều bài vị tôn kính, bị xóa tên đường phố nhiều vua chúa kiệt xuất. Tại sao?"(12)
Ghi chú:
2. Khuynh hướng chung lâu nay là quy kết cho Trịnh Kiểm tội hãm hại Nguyễn Uông, chực chờ dịp ra tay "nhổ cỏ tận gốc" Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng xin lánh ra Thuận Hóa là để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trịnh Kiểm, trước tự cứu lấy mình sau mưu đồ lập giang san riêng. Tuy nhiên cũng có ý kiến (Trần Viết Ngạc, Nguyễn Hoàng 400 năm nhìn lại, Chim Việt Cành Nam) cho rằng quan hệ giữa Trịnh Kiểm- Nguyễn Hoàng không mâu thuẩn vì tranh quyền mà vẫn trong chừng mực tin tưởng lẫn nhau. Bằng chứng là Nguyễn Hoàng hai lần ra Bắc (1569) và (1592) để góp sức diệt Mạc.
3. Phủ Biên tạp lục, sách đã dẫn, trang 42.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 155
5. CBVNLQ,sđd, trang 144
6. Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế và xã hội thế kỷ XVII và XVIII, sđd, trang 114.
7. Lịch sử nội chiến Việt Nam, sđd, trang 361
8. Xứ Nam Hà thoạt tiên dùng để chỉ vùng đất phía nam sông Gianh, nhưng sau này khi các chúa Nguyễn khai hoang mở cõi thì Nam Hà gồm cả phần đất Nam Bộ ngày nay.
9. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, sđd, trang 107
10. Việt Nam sử lược, sđd, trang 327
11. Phiên Trấn bao gồm cả Củ Chi và Tây Ninh, còn Trấn Biên gồm cả hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước bây giờ.
12. Rơm rạ ơi ta trở về đây- Sài Gòn tiếp thị, Xuân 2008
2. Thống Nhất Đất Nước Sau Gần 300 Năm Phân Liệt:
Có lẽ chưa từng có nước nào mà sự cát cứ, chống đối giữa các thế lực phong kiến lại kéo dài như Đại Việt, suốt từ nửa đầu thế kỷ XVI (1533) đến đầu thế kỷ XIX (1802), bức tranh lịch sử với những sự kiện bi hùng xảy ra dồn dập. Cuộc chiến Nam Bắc triều vừa chấm dứt thì cuộc chiến Trịnh – Nguyễn lại tiếp tục đưa đất nước vào cảnh chia cắt hàng trăm năm lần thứ hai. Xen vào đó là phong trào Tây Sơn nổi lên cuối thế kỷ 18. Những cuộc chiến làm suy yếu nội lực đất nước, gây chia rẽ giữa các vùng miền và tạo cơ hội cho các cuộc ngoại xâm, cũng như để lại hệ quả là những dấu ấn khác biệt về văn hóa, tính cách, ngôn ngữ, tập quán trong quá trình phát triển đất nước, con người Việt Nam giữa các địa phương.
a/. Chiến tranh Nam –Bắc triều:
Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc mở đầu giai đoạn chiến tranh Nam – Bắc triều suốt thế kỷ 16. Bắc triều lấy Dương Kinh (Hải Dương) làm kinh đô thứ hai, dựa vào quân bốn trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam và Kinh Bắc để chống lại quân Nam triều cát cứ vùng Thanh Nghệ. Chiến trường khi thì ở trong Thanh Hóa, Nghệ An khi thì tại kinh đô Thăng Long hoặc Sơn Nam, Hải Dương tùy tình hình tương quan lực lượng hai bên nhưng nhìn chung cuối cùng chỉ nhân dân là gánh chịu tất cả thiệt hại. Năm 1592, Trịnh Tùng thắng trận quyết định lấy lại kinh đô Thăng Long và giết chết Mạc Mậu Hợp. Tính ra họ Mạc làm chủ miền Bắc được 65 năm, sau đó tàn dư kéo lên Cao Bằng nối dài thêm được một số năm nữa. Có tài liệu cho nhà Mạc kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 17, nhưng xét về thực chất thì sau khi Mạc Kính Khoan thất bại trong cuộc chiến chiếm lại Thăng Long năm 1623 thì nhà Mạc kể như cáo chung, vị thế người đứng đầu chỉ là hữu danh vô thực, gần giống như một tù trưởng địa phương mà thôi. Cuộc chiến Lê-Mạc đã làm suy yếu nội lực của Đại Việt, một quốc gia cường thịnh lúc bấy giờ trong vùng Đông Nam Á. Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được thời Lê sơ dưới triều đại các vị anh quân Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đều bị chiến tranh làm mai một, chất lượng cuộc sống bị kéo lùi, nạn đói xảy ra khắp nơi ngay cả tại vùng lưu vực sông Nhị Hà là vựa lúa lớn nhất Đại Việt thời bấy giờ.
b/. Trịnh – Nguyễn phân tranh:
Việt Nam sử lược (chương III, trang 274, sđd) viết: "Năm Kỷ Hợi 1599, đời vua Thế tông nhà Lê, Trịnh Tùng thu xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, và đã chịu nhường đất Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc rồi, trong nước đã yên dần, bèn tự xưng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương, rồi định lệ cấp bổng cho vua được thu thuế một ngàn xã gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5000 lính để làm quân túc vệ. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì mới cần đến vua mà thôi. Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh...". Năm 1627, Trịnh Tráng đem quân vào nam đánh Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) lần thứ nhất, mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn. Trong 45 năm đối đầu, họ Trịnh chủ động vào đánh 6 lần, họ Nguyễn chỉ đánh ra một lần nhưng đều bất phân thắng bại. Sau trận chiến năm Nhâm Tý 1672, sông Gianh (Linh Giang) được chọn làm ranh giới phân chia Nam Bắc. Kể từ đó, đất nước bị chia cắt hơn một trăm năm nữa, miền Bắc (Đàng Ngoài) sống dưới chế độ vua Lê-chúa Trịnh mà vua Lê chỉ là bù nhìn (13); miền Nam (Đàng Trong) các chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng cương vực Đại Việt đến tận mũi Cà Mau. Năm Giáp Ngọ 1774, nhân nhà Nguyễn có nội loạn (Tây Sơn khởi binh), họ Trịnh cho tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh lấy đất Thuận Hóa và Quảng Nam. Đây là lần đánh nhau cuối cùng giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn. Sông Gianh chấm dứt vai trò lịch sử kể từ đấy.
c/. Phong trào Tây Sơn:
Năm 1765, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát từ trần, cường thần Trương Phúc Loan chuyên quyền đẩy sự nghiệp hai trăm năm chúa Nguyễn vào thế bại vong: kinh tế yếu kém, lòng dân ly tán, nội bộ chia rẽ. Nhân cơ hội đó, một hào phú vốn là chức sắc trong bộ máy thu thuế địa phương là Nguyễn Nhạc (Biện Nhạc) (14) tự xưng "Tây Sơn trại chủ" đã đứng lên tập hợp dân nghèo dưới lá cờ "cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo"chống lại chính quyền Đàng Trong. Chỉ trong ba năm, quân khởi nghĩa chiếm trọn một dải đất từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, trở thành một lực lượng đối trọng với chính quyền Lê-Trịnh ngoài Bắc và họ Nguyễn trong Nam. Bị đánh dồn ép từ hai phía, Định vương Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân vào Gia Định tính chước khôi phục. Năm 1775, tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc thỏa hiệp với Nguyễn Nhạc rút quân về chiếm đóng Phú Xuân, nhường đất Quảng Nam cho Tây Sơn cai quản. Tháng ba năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân vào Nam bắt giết Định vương ở Long Xuyên và Tân Chính vương ở Bến Tre (15). Tháng năm năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ tiến chiếm Phú Xuân, thừa thắng tiến thẳng ra Bắc, giương cờ "Phù Lê diệt Trịnh" truy đuổi và bắt giết Trịnh Tông, giao lại quyền cai quản xứ Bắc Hà cho dòng chính thống là vua Lê Chiêu Thống (16).
d/. Đại Việt trước nguy cơ tan rã:
Năm 1786, sau khi chiến thắng quân Trịnh trở về, đất Tây Sơn được chia ba: Nguyễn Nhạc tự xưng Trung Ương Hoàng đế đóng đô tại Quy Nhơn, phân phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa, còn Nguyễn Lữ làm Đông Định vương cai quản toàn bộ đất Gia Định kể cả Bình Thuận. Mỗi nơi đều có hệ thống chính quyền riêng, độc lập với hai nơi kia, thậm chí đối địch nhau mặc dù vẫn mang tên gọi chung là Tây Sơn. Phong trào khởi nghĩa nông dân với chiêu bài "cướp của người giàu chia cho dân nghèo" đã đi đến điểm kết thúc với sự thành lập nhà nước quân chủ phong kiến mới! Chính sự phong kiến hóa quá sớm đó vô hình chung đã giúp cho chúa Nguyễn có cơ hội trung hưng vì nhờ mảnh đất của vua Thái Đức làm trái độn, tránh đối đầu trực tiếp với kẻ thù mà ông chỉ toàn đánh thua. Nếu kể thêm xứ Bắc Hà (An Nam cũ) do vua Lê Chiêu Thống cai trị thì lúc này bức dư đồ Đại Việt như mảnh áo vá rách chia làm bốn mảnh: từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa thuộc vua Lê, từ Nghệ An đến Quảng Nam thuộc Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên thuộc vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, từ Bình Thuận vào nam là của Đông Định vương Nguyễn Lữ. Nhiều người thất vọng vì viễn tượng tập đại thành thống nhất đất nước đã không xảy ra, chẳng những thế ở cả ba miền Bắc Trung Nam sau đó đều xảy ra chiến tranh dữ dội, cục diện xoay chiều liên tục giữa các thế lực phong kiến.
Đầu năm 1787, Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn Thuận Hóa vào bao vây đánh phá kinh thành Quy Nhơn (17), Nguyễn Lữ phái Đặng Văn Chân (Trân hoặc Trấn) đem quân Tây Sơn Gia Định về cứu viện bị Nguyễn Huệ đánh tan tại Phú Yên, bản thân Chân bị bắt sống (18). Thành Quy Nhơn (Đồ Bàn cũ) bị vây, quân Tây Sơn Thuận Hóa đắp núi đất trên đặt súng lớn bắn vào trong thành, Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành khóc lóc, kêu gọi: "Nồi da nấu thịt lòng em sao nỡ thế", Nguyễn Huệ mới thu quân giảng hòa. Bản Tân (Quảng Nam) trở thành địa giới giữa Tây Sơn Thuận Hóa và Tây Sơn Quy Nhơn. Nguyên nhân là do bất đồng giữa hai người trong việc phân chia số chiến lợi phẩm quý giá thu được trong phủ chúa Trịnh (19), việc tranh giành cai quản đất Quảng Nam và nhất là việc Nhạc bạo ngược giết công thần Nguyễn Thung, thông dâm với vợ Nguyễn Huệ khiến ông tức giận mà từ chối lịnh đi chầu (Đại Nam Liệt truyện, quyển 30, trang 13b, 14a). Từ nay mối rạn nứt giữa hai anh em Nhạc - Huệ không còn cơ hội hàn gắn nữa mà kéo dài đến tận thế hệ sau giữa hai anh em chú bác ruột là Nguyễn Bảo và Quang Toản, kết cục Toản giết chết Bảo cuối năm Mậu Ngọ 1798. Ngay cả khi vua Quang Trung mất (năm 1792), Quang Toản cũng không cho người bác ruột ra viếng tang, khiến Nguyễn Nhạc đi đến đầu địa giới phải quay trở lại Quy Nhơn.
Mùa đông năm Đinh Mùi (1787), sau khi đã giảng hòa với vua anh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh mang tội chuyên quyền, lấy oán báo ơn, mưu đối địch. Chỉnh bị giết chết, vua Lê bỏ kinh thành trốn tránh trong các hương ấp, nay Hải Dương, mai Sơn Nam rồi lại trở về Kinh Bắc. Tây Sơn áp đặt chế độ quân chính lên các trấn xứ Bắc Hà, hoàng thân Lê Duy Cận được cử làm Giám quốc bù nhìn chỉ biết ngày ngày đến tướng phủ Tây Sơn chờ mệnh lệnh (20). Tháng ba năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình vương lại thân ra Bắc diệt Nhậm (21). Những rối loạn thay bậc đổi ngôi liên tục diễn ra trong một thời gian ngắn khiến tình hình Bắc Hà thực sự rối ren, các võ tướng cũ của chúa Trịnh và các hào mục địa phương nổi lên quy tụ từ vài trăm đến vài ngàn thổ binh tự quản lấy, phép nước không còn ai tôn trọng. Trong lúc ấy tình hình miền Nam cũng không hơn gì.
e/. Nguyễn vương Ánh lấy lại Gia Định:
Năm 1786, Nguyễn Lữ được phong làm Đông Định vương, cai quản một vùng đất trù phú rộng lớn từ Bình Thuận trở vào. Tuy nhiên, lực lượng quân Tây Sơn đóng trên đất Gia Định giống như một đạo quân chiếm đóng hơn là quân phò chính diệt tà. Quan hệ giữa quân với dân vẫn giữ khoảng cách nếu không muốn nói là thù địch. Hệ thống chính quyền quân quản do các võ quan đứng đầu chỉ quen ra những mệnh lệnh tịch thu, sung công, cấm đoán, bắt bớ chứ không biết ra những chính sách an dân. Người Thanh Hà (Trấn Biên) và Minh Hương ở Phiên Trấn vẫn còn nhớ vụ cướp bóc, đốt phá Nông Nại Đại Phố năm 1777, vụ tàn sát người Hoa để trả thù quân Hòa Nghĩa sau cái chết của Phạm Ngạn năm 1782, hoặc vụ quân Tây Sơn tàn sát giáo dân Ba Giồng do đã chứa chấp chúa Nguyễn năm 1783 (22), gần nhất là vụ ép dời chợ Bến Nghé về Cầu Sơn cho dễ thu thuế của Nguyễn Lữ (tháng 5 năm 1787). Những vụ "nhập khấu" này làm xấu đi hình ảnh của quân Tây Sơn trong con mắt của dân Gia Định, nên thực khó mà nhận được sự hậu thuẫn của người dân. Theo Nguyễn Hữu Hiếu: " ...Mỗi lần đại quân Tây Sơn đánh vào chỉ tiêu diệt được lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh, tàn phá phần nào cơ sở vật chất (thu gom lúa gạo, đốt phá, tháo giở các công trình lớn ở cù lao Phố, Chợ Lớn, Mỹ Tho... lấy vật tư chở về Quy Nhơn), chớ chánh quyền Nguyễn Lữ chưa hề có động thái gì nhằm làm thay đổi cơ cấu xã hội Gia Định, cơ sở tồn tại và phục hưng của Nguyễn Ánh... nên hễ túng thế thì Nguyễn Ánh bỏ chạy, nhưng tạm yên thì ông ta lại quay về Gia Định như về nhà mình vậy...". (23)
Tóm lại, quân Tây Sơn chỉ biết "bình" chứ không biết "định", dù thời gian chiến đóng có ngắn và gián đoạn nhưng không phải là không có cơ hội tổ chức quản lý lãnh thổ. Phàm lòng dân không theo thì dù lực lượng quân sự có mạnh đến đâu cũng giống như cây tầm gửi, rể không bén đất thì làm sao tính kế lâu dài cho được. Nên cứ mỗi lần quân Tây Sơn chủ lực rút về Quy Nhơn, Nguyễn vương mộ binh khôi phục thì dân chúng miền Nam vẫn còn nhớ ơn chúa cũ bèn "xứ xứ tịnh khởi".
Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn vương từ Xiêm La trở về, thu phục một số hàng tướng Tây Sơn như Nguyễn văn Trương, Nguyễn Đăng Vân và tập hợp được một số quân tướng cũ, lực lượng lại mạnh lên. Từ Long Xuyên, chúa Nguyễn tiến lên đóng ở Ba Giồng (Tiền Giang ngày nay), lại được Võ Tánh đem quân ở Gò Công về giúp, quân Nguyễn dùng hỏa công phá tan lũy Ngũ Kiều của Tây Sơn, thừa thắng tiến lên chiếm lại đất Đồng Nai, vây chặt thành Gia Định. Tháng bảy năm Mậu Thân 1788, Nguyễn vương đánh thắng một trận lớn ở rạch Thị Nghè (Bến Nghé), lại bịt kín đường thoát ra biển khiến Phạm văn Tham (Sâm) phải rút về Hàm Luông rồi về Ba Thắc. Tháng tám năm đó, chúa Nguyễn nhập thành Gia Định, chiêu an trăm họ, sửa sang phép tắc và phong thưởng cho các tướng sĩ. Qua năm sau 1789, Phạm văn Tham đầu hàng vì tuyệt lương mà không thấy viện binh. Tây Sơn mất toàn bộ đất Gia Định. Quân Nguyễn từ đây chuyển dần từ thế thủ sang thế công còn quân Tây Sơn thì ngược lại.
g/. Nhà Tây Sơn tự gây ra họa diệt vong:
Là người dân Việt, hầu như không ai là không biết đến chiến thắng Đống Đa oanh liệt, một chiến thắng chống ngoại xâm giúp giữ vững chủ quyền lãnh thổ, ngăn ngừa âm mưu đưa đất nước vào vòng Bắc thuộc một lần nữa của những kẻ đặt quyền lợi cá nhân, sự tồn tại của giòng tộc cao hơn sự thiêng liêng của độc lập dân tộc. Chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung đã đem lại chính danh cho vương triều mới, đẩy triều đại Lê Trịnh mục ruỗng lùi vào quá khứ và thu phục được lòng dân xứ Bắc. Tiếc thay, cái chết đột ngột của người anh hùng áo vải đuổi Nguyễn, diệt Lê, tuyệt Trịnh, đánh tan hai đạo binh xâm lược ở hai đầu đất nước xảy ra quá sớm đã khiến cho vương triều Tây Sơn sớm lụi tàn vì không có người kế thừa xứng đáng.
Thiếu người cầm chịch, các quan đại thần ghen ghét tìm cách vu cáo hãm hại lẫn nhau khiến sức mạnh Tây Sơn bị suy yếu đi. Thái sư Bùi Đắc Tuyên giẫm lên vết xe đổ của Trương Phúc Loan năm nào: tự chuyên lộng quyền, truy bức công thần, hiếp chế ấu chúa, tham lam tư lợi. Năm 1795, Vũ Văn Dũng nghe theo lời xúi giục của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đem quân từ Bắc Hà về bắt giết Bùi Đắc Tuyên và con là Bùi Đắc Trụ. Sau đó lại cho bắt Đại tư mã Ngô văn Sở về Phú Xuân, dìm nước chết đi. Nghe tin, Trần Quang Diệu đem quân từ Diên Khánh về toan bắt Dũng hỏi tội. Nhờ Quang Toản và các tướng hết sức can ngăn, cả hai mới chịu giải hòa. Năm 1798 Quang Toản nghe theo lời xúi giục của bọn cận thần giết chết Thiếu phó Nguyễn văn Huấn và Đại tư lệ Lê Trung, con Trung là Lê Chất bèn về hàng chúa Nguyễn. Từ đấy quá trình suy sụp của Tây Sơn diễn ra nhanh chóng vô phương cứu vãn. Lịch sử đất nước rẽ sang một chương khác.
h/. Vua Gia Long thống nhất đất nước:
Tháng năm năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn vương đem quân ra vây thành Quy Nhơn. Trấn thủ Lê Văn Thanh chống giữ không nổi phải mở cửa thành đầu hàng. Quy Nhơn bị đổi tên thành Bình Định. Tháng giêng năm Tân Dậu (1801) quân Nguyễn đánh thắng một trận thủy chiến lớn ở cửa Thị Nại, tiêu diệt gần hết tàu thuyền chủ lực của Tây Sơn, từ đó làm chủ mặt bể. Ba tháng sau, quân Nguyễn lại thắng trận thủy chiến ở cửa Thuận An, tiến lên vây đánh thành Phú Xuân. Vua Tây Sơn Quang Toản bỏ chạy, chúa Nguyễn thu phục lại được đô thành sau 27 năm bị chiếm đóng. Bấy giờ là ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801).
Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn đem quân 4 trấn Bắc Hà và quân Thanh Nghệ vào đánh lũy Trấn Ninh, lại sai tướng đem 100 chiến thuyền vào giữ cửa Nhật Lệ (Quảng Bình ngày nay). Bị thủy quân của chúa Nguyễn đánh bại, quân Tây Sơn phải rút lên bộ rồi bỏ Trấn Ninh chạy về Nghệ An. Đây cũng là cố gắng tận lực cuối cùng của vua tôi Quang Toản trước lúc triều Tây Sơn cáo chung. Tháng năm năm Nhâm Tuất, Nguyễn vương lên ngôi tôn tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long nguyên niên. Tháng sáu, quân Nguyễn triều Bắc tiến, thế như chẻ tre, nội trong một tháng đánh lấy Thanh Nghệ rồi tràn ra Thăng Long, tướng Tây Sơn là Nguyễn văn Thọ mở cửa thành ra hàng, vua Gia Long nhập thành chiêu an, đổi tên Thăng Long thành Bắc thành. Tháng bảy cùng năm, vua Gia Long trở về kinh đô Phú Xuân, mở đầu giai đoạn thống nhất đất nước từ Nam tới Bắc, thu giang sơn về một mối.
Nhận xét về sự kiện này, nhà nghiên cứu lịch sử Đỗ Bang đã viết trong tham luận "Triều Nguyễn-sau 200 năm nhìn lại" (24), xin trích dẫn một đoạn: "...Một số ý kiến cho rằng triều Nguyễn là phản động vì đã đánh bại triều Tây Sơn, một triều đại có những cống hiến to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, lật đổ được chế độ phong kiến cát cứ Đàng Trong-Đàng Ngoài cũng không đúng. Vì những yếu tố tích cực, tiến bộ của phong trào Tây Sơn mà nhân dân ta đã giành được dưới thời Nguyễn Huệ đã không còn phát huy sau ngày vua Quang Trung mất (1792). Triều đại Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh đã thoái hóa, biến chất, suy đồi dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn xã hội vô cùng gay gắt, là nguyên nhân dẫn đến thất bại trước áp lực quân sự của Nguyễn Ánh. Vương triều Tây Sơn đã làm mất lòng dân, không được nhân dân đồng tình ủng hộ nên quân Nguyễn thắng Tây Sơn là việc thường tình và dễ hiểu...".
Như vậy kể từ năm 1527 đến năm 1802 là 275 năm chia cắt, đất nước mới trở lại thống nhất. Năm 1527, lãnh thổ phía nam Đại Việt chỉ đến núi Đá Bia (Phú Yên). Nếu tính từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558) đến đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1765), trải 8 đời chúa trong 207 năm đã mở rộng cương vực Đại Việt lớn gấp đôi; trong lúc đó ở phía Bắc, năm 1540, Mạc Đăng Dung đã cắt đất 4 động châu Vạn Ninh (Quảng Ninh ngày nay) dâng cho triều Minh để cầu phong. Công lao to lớn của các chúa Nguyễn trong sự nghiệp mở rộng đất nước, cũng như công lao thống nhất, quy giang sơn về một mối của vua Gia Long cho dân Việt yên nghiệp làm ăn, đem lại một cuộc sống thái bình cho lê dân sĩ thứ sau gần ba trăm năm loạn lạc là một sự thật không thể chối cãi.
Ghi chú:
13. Truyền thuyết dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện Trịnh Kiểm vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc có nên soán ngôi nhà Lê hay không ? Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không trả lời thẳng mà chỉ ngoảng mặt bảo đầy tớ rằng: năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi chùa, lại bảo tiểu rằng : Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản. Nghe sứ giả về thuật lại, Trịnh Kiểm hiểu ý nên tìm người trong hoàng tộc họ Lê để tôn lên làm vua, chấp nhận thân phận "dưới một người trên vạn người". Sự thực tấm gương họ Mạc còn sờ sờ ra đó khiến Trịnh Kiểm phải chờn lòng, hơn nữa lòng dân vẫn còn luyến nhớ công đức Thái Tổ, Thánh Tông không dễ quên nên dù gì thì tôn phù chính thống vẫn hay hơn là thay cũ đổi mới. Trong Nam thì Nguyễn Hoàng dần trở thành một lực đối trọng họ Trịnh, ngoài Bắc thì dư đảng họ Mạc vẫn còn nhiều ở hai trấn Kinh Bắc, Hải Dương, lại thêm Minh triều vẫn có ý bênh họ Mạc, chưa công nhận triều Lê trung hưng. Nên Trịnh Kiểm đã khôn ngoan tạm chấp nhận "lùi một bước, trời cao biển rộng" chứ chưa chắc là vì nghe theo lời khuyên của Trạng Trình.
14. Nhiều người vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng lãnh tụ phong trào Tây Sơn thuộc giai cấp nông dân. Thực ra xuất thân của Nguyễn Nhạc là lái buôn, nối nghiệp ông nội là Hồ Phi Tiễn và cha là Hồ Phi Phúc. Ba đời đi buôn, gia tư khá giả nên trong nhà lúc nào cũng có nhiều môn khách và gia sư. Trước khởi nghĩa (1771), Nguyễn Nhạc là một hào mục địa phương. Theo giáo sư Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử lược, Nguyễn Nhạc phạm tội tiêu lạm công quỹ, một tội bị hình luật triều Nguyễn xử phạt rất nặng nên cũng giống như Lưu Bang nhà Hán, Biện Nhạc không còn đường lùi đành đánh cược với số phận. Nhưng cũng có ý kiến nói Nguyễn Nhạc không nộp thuế không phải vì thua bạc mà vì muốn tỏ thái độ chống đối chính quyền. ( Tạ Chí Đại Trường, sách đã dẫn, trang 47)
15. Cả hai vị chúa Nguyễn là Định vương và Tân Chính vương đều bị Nguyễn Huệ bắt sống đem về chùa Kim Chương (Gia Định) hành quyết năm 1777. Định vương mất ngày 18 tháng 9 năm Đinh Dậu (18.10.1777), Tân Chính Dương mất ngày 17 tháng 8 cùng năm (18.9.1777). Chùa Kim Chương hiện nay không còn, vị trí chùa trước kia ở vào khoảng giữa đường Nguyễn Trãi thuộc quận 1 Sài Gòn, khu đất thuộc Tổng Nha Cảnh Sát cũ, thời Pháp gọi là Gò Ô Ma.
16. Lối hành quân thần tốc và chiến thuật tốc chiến tốc thắng của vua Quang Trung khiến kẻ địch hầu như tê liệt, không có cơ hội để phản công. Kỷ luật quân Tây Sơn rất nghiêm, nên dù đối phương đã mất hết ý chí chiến đấu nhưng sức tiến công vẫn không giảm. Đời sau có người phê phán là quân Tây Sơn "hiếu sát", điều đó tuy đúng nhưng phàm đã ra trận đối địch thì luôn luôn mục tiêu chiến thắng được đưa lên hàng đầu, đó là lẽ đương nhiên. Điển hình là các trận đánh : thủy chiến Cần Giờ 1783, đại chiến Phú Xuân 1786 và nhất là trận Đầm Mực – Ngọc Hồi 1789.
17. Cuộc chiến giữa hai anh em Tây Sơn xảy ra từ tháng 2.1787 đến tháng 7.1787. Trong lúc này, vua Lê và Nguyễn Hữu Chỉnh cử mưu sĩ Trần Công Xán vào Nam yết kiến Nguyễn Huệ đòi lại đất Nghệ An. Sợ lộ việc anh em bất hòa, Nguyễn Huệ cho đục thuyền, dìm nước giết chết Trần Công Xán và từ đó đã có ý diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.
18. Nhân vật Đặng Văn Chân này sẽ xuất hiện trong lịch sử một lần nữa vào năm 1788, khi ấy là bộ tướng của Ngô Văn Sở, lãnh đạo thủy binh triệt thoái từ Thăng Long về Tam Điệp ( Ninh Bình) chờ cứu viện.
19. Toàn bộ vàng bạc và các vật dụng quý giá thu được trong trận đánh chiếm Phú Xuân năm 1774, Hoàng Ngũ Phúc đều cho tải về Bắc giao nộp Trịnh Sâm. Mười hai năm sau (1786), vật hoàn cố hương nhưng lần này là trong tay Tây Sơn. Mười lăm năm sau nữa (1801), họ Nguyễn lấy lại Phú Xuân thì vật mới về tay chủ. Câu chuyện sủng phi Thị Huệ làm mình làm mẩy với Trịnh Sâm, quăng hạt ngọc dạ quang trên đầu khăn của chúa Trịnh xuống đất là có nguồn gốc từ số chiến lợi phẩm này.
20. Mùa Đông năm Đinh Mùi (1787), Thăng Long mất vào tay quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh bị giết chết, vua Lê bỏ kinh đô bôn tẩu. Xứ Bắc Hà chính thức do Tây Sơn cai quản. Khi ấy tại miền Nam, chúa Nguyễn đã về đóng quân tại Long Xuyên kể từ tháng 7 , binh thế ngày càng mạnh. Như vậy về danh nghĩa thì từ tháng 11 năm Đinh Mùi (1787) đến tháng 8 năm Mậu Thân(1788) cả nước Việt Nam đều thuộc về ba anh em Tây Sơn nhưng trên thực tế chưa bao giờ Tây Sơn thực sự thống nhất cai quản toàn bộ đất nước. Tháng 8 năm Mậu Thân 1788, khi chúa Nguyễn nhập thành Gia Định, chế độ Tây Sơn tại miền Nam chính thức cáo chung.
21. Nguyễn Huệ không dám mang đại quân ra Bắc vì vẫn còn e dè, đề phòng lực lượng Tây Sơn Quy Nhơn tiến đánh sau lưng. Ông cũng không dám ở lâu trên đất Bắc, sau khi giết Nhậm bèn cải tổ sắp xếp lại hệ thống quan chức cai trị các trấn rồi gấp rút về Nam. Năm 1792 khi ông mất, Nguyễn Nhạc dẫn đoàn tùy tùng ra viếng nhưng đến đầu địa giới thì bị các tướng Tây Sơn Thuận Hóa cản lại phải trở về. Năm Quý Sửu 1793, Quy Nhơn bị quân chúa Nguyễn vây đánh rát quá, liệu thế chống không nổi, Nguyễn Nhạc xin Quang Toản đem quân Thuận Hóa vào cứu viện. Giải vây xong, Quang Toản chiếm luôn đất Quy Nhơn của vua bác khiến Nguyễn Nhạc tức giận, lâm bệnh nặng và từ trần. Quang Toản giài tán triều đình trung ương ở Quy Nhơn, chỉ cho duy trì "tiểu triều" Nguyễn Bảo (con Nguyễn Nhạc), ăn lộc huyện Phù Ly. Năm Mậu Ngọ 1798, Nguyễn Bảo bất mãn, đem quân chiếm lại thành Quy Nhơn và có ý đầu hàng chúa Nguyễn. Âm mưu bị lộ, Bảo bị Quang Toản bức tử.
22. Lê Công Lý, Dấu ấn của chúa Nguyễn trên đất Ba Giồng, kỷ yếu Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, sđd, trang 121.
23. Nguyễn Hữu Hiếu, Tiếp cận những yếu tố giúp Nguyễn Ánh thành công trong việc xây dựng vương triều Nguyễn, kỷ yếu Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, sđd, trang 82
24. Đỗ Bang, Triều Nguyễn – Sau 200 năm nhìn lại, kỷ yếu Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn,sđd, trang 52
3. Thử Tìm Nguyên Do Của Những Định Kiến Cay Nghiệt:
a/. Vì sao Thăng Long trở thành phế đô:
Thăng Long ngàn năm văn hiến, với vai trò vị trí là kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, niềm tự hào của sĩ phu và dân chúng Bắc Hà, sự thực đã chấm dứt vai trò lịch sử từ năm 1788 dưới triều Tây Sơn chứ không phải năm 1802 dưới thời Gia Long, vị vua mở đầu triều Nguyễn như nhiều người lầm tưởng. Năm 1786, họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền, làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long - Hà Nội. Điều này được sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau: " ...Sớm hôm sau, Hoàng thượng mới biết là Án Đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt. Thế là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất cháy đen. Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)..." (25). Như vậy đã rõ, chính Lê Chiêu Thống là kẻ đã ra lịnh hủy hoại công trình kiến trúc có giá trị vào loại bậc nhất của Thăng Long chứ không phải Nguyễn Hữu Chỉnh làm chuyện này như nhiều sách đã viết (26).
Năm sau 1787, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Chiêu Thống bỏ kinh đô bôn tẩu và Thái hậu chạy sang Quảng Tây cầu viện nhà Thanh (27). Xứ Bắc Hà trở thành một phần lãnh thổ của Tây Sơn và kể từ đây Thăng Long không còn là kinh đô nữa. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Quang Trung tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Mười ba năm sau (1802), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế cũng tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt bọn Quang Toản, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, kinh đô Phú Xuân hai lần chứng kiến hai cuộc lên ngôi chính danh của hai vị hoàng đế trước khi Bắc phạt , một để đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc, một chấm dứt cuộc nội chiến, thu giang san về một mối. Trong cả hai lần Thăng Long đều đóng vai trò chứng nhân lịch sử một cách thụ động.
Có thể nói Thăng Long trở thành phế đô là một tất yếu của lịch sử, do sự tác động chính từ bên trong (sự mục ruỗng thối nát của chế độ Lê-Trịnh) chứ không phải do một thế lực bên ngoài nào, Tây Sơn chỉ đóng vai trò là người kết thúc mà thôi. Nếu không phải là Tây Sơn thì cũng là một lực lượng khác từ phía Nam hoặc từ phía Bắc tiến vào xóa sổ nhà Lê mạt như lời của Vũ Văn Nhậm (28). Ai ở trong cảnh nước mất nhà tan thì mới hiểu cho nổi niềm của kẻ nhà tan nước mất, chúng ta hết sức thương cảm cho tấm lòng trung trinh hoài Lê của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan nhưng xâu chuổi các sự kiện lại thì Thăng Long sụp đổ là một biến cố rất logic (!) bởi vượng khí đã lụi tàn. Lòng riêng ai đó có thể vì nuối tiếc mà sinh lòng oán ghét cái mới nhưng nếu bình tâm xem xét thì Thăng Long lúc ấy thua xa Phú Xuân và Gia Định về mọi mặt: kinh tế suy thoái, trật tự suy đốn, đạo lý lụi tàn, dép mũ đảo lộn. Điển hình là việc viên trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước trấn lột cả vua Lê Chiêu Thống thế cô đang trên đường bôn tẩu " ...Vua cho Thước tất cả. Thước liền gọi lái đò đưa thuyền đến bến, chở nhà vua cùng đám người cùng đi qua sông. Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng, rồi chạy về núi Như Thiết" (29). Thật khác với vua Gia Long, dù bao phen bị Tây Sơn truy đuổi gay gắt thập tử nhứt sinh nhưng đều vượt qua được nhờ sự chở che của người dân miền Nam. Hoặc trường hợp tên tiểu lại làng Hạ Lôi Nguyễn Trang phản thầy bán chúa: "Quán nghe tin có việc biến (chúa bị bắt-KH), thân hành đến tận chỗ chúa, rập đầu xuống đất mà nói: Làm lầm chúa đến nông nỗi này, là do tội của tôi cả. Tông đáp: người ta ai có bụng nấy, khanh có can dự gì. Quán lui trở vào, bảo Trang: Chúa là chúa chung của thiên hạ. Mà ta lại là thầy anh.Vua tôi là nghĩa lớn, sao anh nỡ làm như thế. Trang đáp: Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình, tôi không để cho quan lớn làm cho lầm lỡ đâu. Tiếp đó Trang bức Quán phải trở về nhà, rồi quát thủ hạ dìu chúa về kinh đô" (30).
Về mặt võ bị, hãy nghe những lời giễu cợt của tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, "trưởng ban quân quản" Bắc thành nói với viên quan cựu Lê lưu dụng là Ngô Thời Nhậm " ...nếu giặc Thanh có sang thì phiền ông làm một bài thơ để lui quân giặc, nếu không thì túi đao bao kiếm là phận sự của kẻ võ thần, can gì phải quá lo ..." (31) hoặc những lời khích tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh khi khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra đánh lấy Bắc Hà "xứ ấy không còn nhân tài" mặc dù hơi miệt thị nhưng cũng có phần sự thật như sau này lịch sử đã chứng minh (32). Qua đó, chúng ta thấy Thăng Long không tự bảo vệ được mình, các đạo quân chiếm đóng lần lượt đến rồi đi như quân Tây Sơn của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ (1786), quân Nghệ An của Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm (1787), quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị (1788), quân Tây Sơn của vua Quang Trung (1789) rồi sau này là quân Nguyễn của vua Gia Long (1802) thay nhau vào ra Thăng Long như chốn không người, một phần bởi địa hình công dễ thủ khó nhưng phần lớn do tướng bất tài, quân bê trễ, triều đình không còn kỷ cương.
Xâu chuỗi các biến cố lịch sử có ảnh hưởng đến đại cục đất nước qua ba thế kỷ thứ 16, 17 và 18, ta thấy luôn luôn xảy ra ở phương Nam, là xuất phát điểm cho những mầm mống mới: Lê trung hưng (1533), Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa(1558), Tây Sơn khởi nghĩa (1771), chúa Nguyễn xưng vương (1780), Quang Trung xưng đế (1788) và cuối cùng là vua Gia Long lên ngôi (1802). Thuở sinh tiền, vua Quang Trung đã chọn Nghệ An làm kinh đô vì đó là trung tâm của đất nước do ông cai quản (từ Quảng Nam đến Lạng Sơn) chứ cũng không chọn Thăng Long. Tiếc thay, vận số quá ngắn ngủi của người anh hùng Tây Sơn khiến dự định không thành. Hãy nghe lời trối trăng của vua Quang Trung cho bọn Trần Quang Diệu: "...khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải lo chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì bọn ngươi chết không có đất chôn thây đấy..." (33). Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường lý giải việc tại sao Quang Toản không thiên đô như di mệnh của vua Quang Trung như sau:
"Tính chông chênh của nhóm Tây Sơn Quang Trung thấy đầu tiên ở nơi vị trí trú đóng. Nòng cốt của quân lực thì lấy ở đất Quy Nhơn mà lại đứng chân trên kinh đô của giòng họ Nguyễn. Người cầm đầu cũng thấy điều ấy nên lăm le trở về Nghệ An, quê của tổ tông để tìm sự liên kết cố cựu. Tuy nhiên thực tế đất ấy lại không còn là của họ nữa vì những người dân đang phải chịu tai ách của chiến tranh hơn cả lúc trước, như lời Nguyễn Thiếp trình bày, thì không có lòng dạ nào nhận bà con với người áp bức họ được. Quang Toản sau đó vẫn ở Phú Xuân là minh chứng".(34)
Sau ngày thống nhất đất nước, vua Gia Long cũng không chọn Thăng Long làm kinh đô vì nơi ấy không còn là trung tâm Đại Việt nữa. Các chúa Nguyễn đã mở cõi rất xa về phía Nam suốt hai thế kỷ (1611-1760), đến tận Phú Quốc và Côn Đảo. Định đô ở Phú Xuân là một quyết định sáng suốt, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà Thanh sau đó đã phong cho Gia Long làm vua nước Việt Nam, Thăng Long trở thành Bắc thành, ngang với Gia Định thành. Huế tiếp tục là kinh đô cho đến khi thực dân Pháp chia ba đất nước bằng hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenôtre). Tóm lại, "hào khí Thăng Long" trải qua các đời Lý, Trần, Lê đến cuối thế kỷ XVIII đã lụi tàn, cùng với việc ra đời của vương triều Nguyễn, kinh thành Huế (Phú Xuân) trở thành trung tâm đất nước về mọi mặt hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự là một sự thay đổi hợp quy luật biến đổi thịnh suy của vạn vật. Không có gì lạ! Hoàn toàn không phải vì "... khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế...", như lời nhận xét hàm hồ của một số người.
b/. Thành kiến cục bộ địa phương và quan điểm chính trị của giới Sử học Hà Nội dẫn đến những nhận xét bất công, áp đặt, cực đoan đối với nhà Nguyễn:
" ...sự thắng thế của Nguyễn Ánh trước Tây Sơn có thể coi là sự thắng thế của những nhân tố bảo thủ lạc hậu đối với những yếu tố tiến bộ..." (Nguyễn Ngọc Cơ, "Một giai đoạn của lịch sử Việt Nam thời Nguyễn và những câu hỏi cần giải đáp thỏa đáng", Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 14).
" ...cái thống nhất của Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước..." (Văn Tạo, "Nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc", Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 27)
" ...một số người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở miền Nam thời Mỹ-ngụy đã ra sức ca tụng Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước từ Nam ra Bắc. Luận điểm này nhằm thực hiện âm mưu của chính quyền Sài Gòn chủ trương "lấp sông Bến Hải", " Bắc tiến". Ca tụng Gia Long, phê phán Tây Sơn là "Ngụy triều", họ đã biện hộ cho việc chia cắt đất nước, tìm mọi cách kéo dài "biên giới Hoa Kỳ" không chỉ đến vĩ tuyến 17 mà đến Mục Nam Quan, phục vụ âm mưu chiến lược của Mỹ dùng Việt Nam làm bàn đạp tấn công Trung Quốc ‘cộng sản", hòng xóa bỏ hệ thống chủ nghĩa thế giới ...". (Phan Ngọc Liên, " Một số yêu cầu về phương pháp luận đối với việc dạy học lịch sử thời nhà Nguyễn", Lịch sử nhà Nguyễn, sđd, trang 59)
Thứ nhất, Nguyễn Ngọc Cơ đã nhầm lẫn hoặc cố ý nhầm lẫn khi ông đánh tráo khái niệm bảo thủ lạc hậu và tiến bộ giữa hai chủ thể Tây Sơn và Gia Long. Những năm cuối thế kỷ 18, vương triều Tây Sơn đã không còn ánh hào quang buổi đầu: lộng thần Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, áp chế ấu chúa, vua Quang Toản ích kỷ nhỏ nhen, đa nghi đố kỵ, giết người bừa bãi, tàn sát công thần, mù quáng nghe lời nịnh thần dẫn đến nội loạn, trong triều thì rối ren, ngoài biên cương thì quân tướng hoang mang. Nguyễn Thiếp xin từ chức về trí sĩ; Nguyễn Bảo, Lê Chất về hàng Nam triều, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân về kinh chực đánh nhau. Thật khác xa với tính chất phong trào nông dân khi khởi xướng "cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo". Người dân hai miền Nam Bắc trông mong gì ở "yếu tố tiến bộ" ấy? Trong khi lực lượng Nguyễn Vương mỗi ngày một lớn lên, thu phục được nhân tâm cả nước, trong một tháng lấy trọn cả một vùng đất vua Lê cũ. Một đạo quân nếu không có chính nghĩa sao làm được như vậy? Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, khống chế lân bang, trở thành lực đối trọng với Xiêm La trong vùng Đông Nam Á. Đó là một "nhân tố bảo thủ lạc hậu" ư? Thực ra, từ thế kỷ 19 trở về trước, khi một "lực lượng sản xuất" phá vỡ"quan hệ sản xuất" thì lại tạo ra một "quan hệ sản xuất" mới theo mô hình cũ. Các lãnh tụ nông dân khi giành được chính quyền từ các vua chúa cũ thì lại... lên làm vua, thành lập một triều đại phong kiến mới, chứ không hình thành nên một chủ nghĩa gì cả vì khi ấy ngài Các Mác hãy còn ở truồng nằm nôi. Nhìn một cách khách quan, việc nhà Tây Sơn Quan Toản suy yếu mọi mặt sụp đổ là có nguyên nhân từ bên trong, và trong hoàn cảnh đó vua Gia Long chấm dứt nội chiến, thống nhất đất nước, Đại Việt vững mạnh lên thì không thể nói đó là một "nhân tố bảo thủ lạc hậu" được.
Thứ hai, vua Gia Long hoàn toàn không có cắt đất liền hay biển đảo nào cho ngoại bang (sic!). Hiệp ước Versailles ( 28-11-1787) có các điều khoản nhượng cảng Hội An ( Đà Nẵng) và Côn Đảo cho Pháp để đổi lấy sự viện trợ về mặt quân sự của Pháp. Việt Nam Sử lược [Cận kim thời đại, Nhà Nguyễn, Chương I, Thế Tổ (1802-1819)] viết về sự kiện này như sau: "Năm 1817, chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cửa Đà Nẵng. Quan thuyền trưởng là Bá tước De Kergarion nói rằng Pháp hoàng Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước của ông Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẳng và đảo Côn Lôn. Vua Thế Tổ sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa".
Thứ ba, việc chia cắt đất nước năm 1954 là một vết đen trong lịch sử Việt Nam, thể hiện mối tương quan và cân bằng quyền lực của các xu thế chính trị trên thế giới mà đạo diễn là các nước lớn, còn vận mệnh của các nước nhỏ chỉ là quân tốt trên bàn cờ. Một điều rất rõ ràng, dễ hiểu mà lâu nay mọi người quên khuấy mất là hãy xem lại trong các thư tịch, về phía Việt Nam, ai là người đã ký kết vào các văn kiện chia cắt tủi hổ ấy. Càng lạ hơn với luận điểm miền Nam muốn "lấp sông Bến Hải", "Bắc tiến" bằng bạo lực và"tấn công" Trung quốc cộng sản, xóa bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Vương triều Nguyễn có thể không phải là một vương triều minh trị vua sáng tôi hiền, chính thể miền Nam cũng chưa làm gì nhiều cho dân vì phải lo đối phó với chiến tranh, nhưng đừng vì phải tuân thủ quan điểm đường lối chính trị trong nghiên cứu, giảng dạy hoặc vì mặc cảm thất thế của dân tràng an trong bối cảnh lịch sử những năm cuối của thế kỷ 18 mà vẽ ra những điều vô căn cứ, xa rời sự thực như vậy. Đạo đức của người làm sử xưa nay đều không cho phép các quan thái sử viết như vậy, nhất là các nhà mô phạm với thiên chức truyền thụ kiến thức cho đời sau. Miền Nam là cái nôi cho nhà Nguyễn trung hưng phục quốc, càng về phía nam thì lòng dân ủng hộ càng nhiều, nhưng vẫn đề cao, ghi công chống ngoại xâm cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Con đường đẹp nhất Sài Gòn mang tên Nguyễn Huệ trong khi Gia Long chỉ là một con đường nhánh khuất phía sau chợ Bến Thành. Đồng tiền có giá trị cao nhất mang hình ảnh Trần Hưng Đạo, kế đến là vua Quang Trung và cuối cùng là Lê Văn Duyệt. Không có tiền giấy nào in hình vua Gia Long cả. Một thái độ công bằng đối với lịch sử. Sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân.
c/. Lấy "nay" để phê phán "xưa", một lối biện chứng sai lầm từ trong căn bản:
Tôi thiết tưởng bất cứ ai trong số chúng ta, thuở cắp sách đến trường, cũng đều quặn lòng khi đọc đến những trang đen tối trong sử Việt cuối thế kỷ XIX: chế độ phong kiến lỗi thời với những ông vua bảo thủ và quần thần mê muội khiến đất nước suy yếu, dễ dàng rơi vào tay thực dân Pháp. Đó là chiến thắng của khoa học kỹ thuật phương Tây trước nền văn minh phương Đông đã bước vào giai đoạn suy tàn. Làn sóng chiếm đất làm thuộc địa của các nước tư bản phương Tây tràn vào châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, khiến hầu hết các nước đều chịu chung số phận: Indonesia ( thuộc địa của Bỉ và Hòa Lan), Ấn Độ, Mã Lai, Diến Điện (Anh), Philippine (Tây Ban Nha), Macao (Bổ Đào Nha), Việt Nam, Lào, Căm Bốt (Pháp)... chỉ trừ Thái Lan may mắn thoát khỏi nhờ vị trí địa lý, làm trái độn giữa hai đế quốc. Hầu như không một nước nào chống lại được sức mạnh quân sự của phương Tây, do sự chênh lệch về hiệu năng vũ khí quá lớn. Điển hình là Trung Hoa, một nước lớn làm "mẫu mực" hàng ngàn năm cho các tiểu quốc trong vùng, bị "bát quốc liên minh" đánh cho tơi tả. Trước khi phê phán trách nhiệm để mất nước vào tay thực dân Pháp, chúng ta hãy thử đặt mình vào vị thế của nhà Nguyễn lúc đó, với những hạn chế khách quan về tương quan quân sự Đông –Tây lúc đó. Những hạn chế tác động đến đại cục. Dĩ nhiên không thể lấy đó để biện minh cho trách nhiệm của nhà Nguyễn trước lịch sử. Nhưng cũng không thể vì thành kiến mà đổ vấy hết tội cho triều Nguyễn, mà phải xét thấu đáo đến những yếu tố khách quan, chủ quan lúc đó. Đứng ở thế kỷ 21 nhìn về hơn trăm năm trước, dùng thế giới quan hiện đại mà phê phán nặng lời tiền nhân thì dễ, nhưng nếu tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, hoặc nhìn lại mình hôm nay, có thấy khá hơn chăng ? Thậm chí những thành tựu trong cải cách kinh tế - xã hội và hành chánh đều bị xuyên tạc, suy diễn theo hướng có tội, kiểu như "Mỹ xây xa lộ Biên Hòa là để cho máy bay... đáp" trước đây, thử điểm lại một vài ý kiến:
"...cải cách hành chính của vua Minh Mệnh càng thành công trong việc củng cố vương triều Nguyễn bao nhiêu, lại là củng cố cái trì trệ, bảo thủ, lạc hậu của phong kiến Nguyễn, phong kiến Tống Nho sao chép Mãn Thanh đang suy tàn bấy nhiêu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất lực, đầu hàng của triều Nguyễn trước cuộc xâm lăng của đế quốc thực dân.... (35). Thực ra, cuộc cải cách hành chánh của vua Minh Mệnh đã củng cố bộ máy nhà nước theo hướng trung ương tập quyền, tránh được tình trạng phân phong cát cứ vốn là cố tật của các chế độ phong kiến. Bãi bỏ Bắc thành và Gia Định thành, lãnh thổ Đại Nam (gần trùng khớp với lãnh thổ Viêt Nam ngày nay) được chia làm 30 tỉnh (trừ phủ Thừa Thiên), trực thuộc triều đình, dưới tỉnh là phủ, huyện và xã. Đây là một cuộc cải cách với quy mô lớn, tăng cường tính pháp trị của nhà nước phong kiến thống nhất, củng cố chế độ giám sát toàn bộ nền hành chính quốc gia, là một tiến bộ giúp xã hội ổn định sau nhiều thế kỷ loạn lạc. Về đại thể mô hình này vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay, dù trải qua nhiều cải biến như vai trò của người đứng đầu đơn vị hành chánh xã (xã trưởng) và thôn (lý trưởng) hoặc các Bộ trực thuộc trung ương (Thượng thư, tham tri tức Bộ trưởng, thứ trưởng bây giờ).
"...Họ (lưu dân) ra đi là để tỏ thái độ quyết chối bỏ chúa Nguyễn, nhưng chạy trời không khỏi nắng, chúa Nguyễn đã đuổi theo họ, lợi dụng họ như một con bài chính trị và xã hội trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở phương nam. Nói khác hơn, giữa chúa Nguyễn với lớp lưu dân Việt đến Thủy Chân Lạp trước thế kỷ XVIII, tuy có cùng một địa chỉ tập kết nhưng mục đích thì hoàn toàn khác nhau." (36). Đây là một trường hợp xuyên tạc lịch sử trắng trợn, điển hình cho lối tư duy chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, máy móc. Ít nhất trong thời kỳ của các chúa Nguyễn, quan hệ giữa nhà nước và lưu dân không phải là quan hệ giữa giai cấp bóc lột và lớp người bị bóc lột. Thử xem lại một đoạn trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, một Điền tuấn quan dưới thời chúa Nguyễn: "...nghe theo ý muốn của dân, không bó buộc gì, cốt cho mở đất vỡ hoang thành ruộng lập xã mà thôi, lại có khi đất bùn lầy mà trưng làm ruộng nộp thuế, ruộng ở núi và gò giồng mà trưng làm ruộng cỏ, như thế nhiều lắm. Còn như sào mẫu khoảng thửa, thì tùy theo miệng nói mà biên vào sổ, cũng không hạ thước đi khám và bổ chia tốt xấu theo thực trạng về thuế lệ nhiều ít, cái hộc đong lớn nhỏ, thì lại tùy theo lệ cũ, theo thế mà làm, rất không đều nhau. Đến đây mới tham chước mà đặt tiêu chuẩn công bằng, nhưng so sánh với các dinh trấn ở phía bắc thì Gia Định pháp chế rộng mà thuế nhẹ...", " ...dân ở vùng này đều có thể tự do đi khai khẩn đất ruộng ở các vùng khác, ai muốn đến ở đâu, khai khẩn ruộng gò, ruộng thấp ở nơi nào tùy ý. Lựa chọn đất đai rồi chỉ cần khai báo với nhà cầm quyền là mình trở thành nghiệp chủ của khoảnh đất ấy, chính quyền cũng không đo đạc lại xem diện tích là bao nhiêu, không cần biết đất ấy tốt xấu thế nào. Người nghiệp chủ tùy theo điền sản mình chiếm rộng hẹp mà tự nguyện nộp thuế nhiều hay ít và nộp thuế bằng thóc dùng hộc già hay hộc non đong cũng được...".(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1980). Hoặc theo Nguyễn Phúc Nghiệp: "...Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, nhờ chính sách khẩn hoang và thiết lập bộ máy hành chính ở cơ sở của chính quyền chúa Nguyễn, hệ thống thôn ấp ở Tiền Giang đã được hình thành và đi vào ổn định. Điều đó có tác dụng tích cực trong việc tiếp tục đẩy mạnh tốc độ khai hoang và phát triển kinh tế-xã hội của Tiền Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ rằng lưu dân đã được vào tổ chức chính thức, đã được công nhận quyền lợi "chiếm đất" và phải có bổn phận đóng thuế đinh thuế điền..." (37).
... nguyên nhân quan trọng nhất - có thể nói là chủ yếu - làm cho các đề nghị đổi mới thời đó thất bại là do thái độ bảo thủ, phản động của vua quan triều đình, tuy có lúc do tình thế thúc bách nên có chủ trương một vài đổi mới về các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục..., nhưng về cơ bản thì trong tư tưởng, cũng như trong cơ cấu chính trị vẫn không hể thay đổi, nên không bảo đảm cho việc đổi mới được thực hiện triệt để, trót lọt, thường là nửa chừng bị bỏ dở..."(38) Quả thật, đứng ở thế kỷ XXI nhìn về hai thế kỷ trước để phê phán cải cách, đổi mới thời Nguyễn thất bại vì lối tư duy "Đổi mới khoa học – kỹ thuật nhưng theo định hướng... phong kiến" thì quá dễ, nhưng hình như bài học này vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay, với cục xương khó nuốt: "Đổi mới kinh tế thị trường theo định hướng XHCN"!
Ghi chú:
25. Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 187
26. CBVNLQ, sđd, trang 181
27. Khi ấy, tổ chức chính quyền và quân sự nhà Lê yếu ớt đến nỗi quân Tây Sơn đi đến đâu là tan rã đến đó, không thể tổ chức nổi một trận đánh cho ra hồn, còn bọn quân tam phủ (kiêu binh), một thời làm mưa làm gió đất kinh kỳ, chỉ nghe phong thanh chiêng trống thúc quân của Tây Sơn là đã vứt giáo bỏ chạy.
28. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 285
29. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 271
30. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 105
31. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 335
32. Hoàng Lê Nhất thống chí , sđd, trang 94
33. Đại Nam Liệt truyện, sđd, trang 596
34. Lịch sử nội chiến Việt Nam, sđd, trang 393
35. Văn Tạo, Nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, trang 663.
36. Lý thị Mai, Đôi điều về một bối cảnh và một con người, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, trang 125.
37. Nguyễn Phúc Nghiệp, Sự hình thành thôn ấp ở Tiền Giang dưới thời các vị chúa Nguyễn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, trang 148.
38. Đinh Xuân Lâm, Trách nhiệm triều Nguyễn về sự thất bại của xu hướng đổi mới ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, trang 312.
Kiến Hào Mạn Đàm:
Ngày nay một mặt thì "người ta" xuyên tạc, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen khiến vương triều Nguyễn từ một vương triều có công mở rộng và thống nhất đất nước thành một "tập đoàn phong kiến phản động, tối phản động"; mặt khác thì lại cố công bôi son trét phấn cho Mạc Đăng Dung, một kẻ quyền thần tiếm ngôi giết vua, hãm hại trung thần; một kẻ cố kết bè cánh, bảo vệ địa vị bằng mọi giá kể cả cắt đất dâng nộp cho ngoại bang; một kẻ trói tay khom lưng quỳ gối trước quân tướng giặc phương Bắc hết sức hèn hạ nhưng sau đó quay ra tích cực "nồi da nấu thịt" khiến đất nước suy kiệt, nhân dân phiêu tán. Thậm chí còn gọi hành động cắt đất, bán nước của Đăng Dung là khôn khéo, mềm mỏng (?); một nguyên thủ quốc gia quỳ gối trước tướng giặc là sự tính toán trong sách lược ứng phó (!); bỏ quốc hiệu xin nội thuộc nước Tàu là một việc làm tránh chiến tranh bảo vệ chủ quyền (!) (39). Một trò ngụy tạo chữ nghĩa để tránh né sự thật, một thủ thuật chơi chữ để biện minh cho hành động của những kẻ cướp nước và bán nước trước lịch sử và hậu thế.
May mắn thay, Việt Nam vẫn còn những nhà nghiên cứu độc lập tâm huyết với lịch sử dựng nước và mở nước của cha ông, với những nhận xét đánh giá công tâm về Vương triều Nguyễn: công tội phân minh. Nếu chỉ chăm chắm nhìn vào những hạn chế của nhà Nguyễn như cấm đạo hay chính sách bế quan tỏa cảng hoặc thái độ bảo thủ cố chấp của vua Tự Đức khiến Việt Nam mất đi cơ hội duy tân, nhất là trách nhiệm của các vua triều Nguyễn trong việc để mất nước vào tay thực dân Pháp, mà không nhìn thấy công lao của các chúa và vua nhà Nguyễn trong sự nghiệp mở nước và thống nhất đất nước là một thiếu sót rất lớn nếu không muốn nói là bất công. Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Nam Bộ Hoàng Lại Giang trong bài viết "Bi kịch của người anh hùng đi mở cõi", đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 294 khi nhắc đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Hoàng đã viết: "Tôi nghĩ, chúng ta tôn kính các vua Hùng đã có công dựng nước và dựng đền thờ ở thành phố Hồ Chí Minh là phải đạo. Nhưng ai dám chắc đây là những vị vua huyền thoại hay sự thực? Trong khi đó, các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi gấp đôi như ngày nay là một sự thực lịch sử thì chúng ta lại... quên một cách có ý thức).
Để kết thúc, người viết xin trích một đoạn trong bài "Nguyễn Hoàng và đất phương Nam" của tác giả Nguyên Hương Nguyễn Cúc, nói lên tấm lòng tri ân của thế hệ hậu sinh đối với bậc tiền nhân mở cõi: " ... tôi mơ ước có một ngày được nhìn thấy tại cố đô Huế Đài kỷ niệm Công chúa Huyền Trân, tại Quy Nhơn Đài Kỷ niệm vua Lê Thánh Tôn, tại Tuy Hòa Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Hoàng, tại Nha Trang Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Tần, tại Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn, Hà Tiên Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Chu, tại Vĩnh Long Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Trú, tại Sa Đéc, Châu Đốc, An Giang Đài Kỷ niệm chúa Nguyễn Phúc Khoát v.v... thì tình quê hương nguồn cội, nghĩa dân tộc đồng bào sẽ thắm thiết cảm động biết bao" ./. (40)
Kiến Hào (9-2015)
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Lê Nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, 2006
Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2002
Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học-Xã hội, 2004
Phủ Biên tạp lục, NXB Khoa học, 1964
Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Tổng hợp TP HCM, 2005
Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa 2006
John Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, NXB Thế Giới, 2011
Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771-1802, Tạ Chí Đại Trường, Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
Lịch sử nhà Nguyễn- một cách tiếp cận mới, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011
Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2008
"Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế và xã hội thế kỷ XVII và XVIII" của Li Tana, NXB Trẻ 2013
Các bậc vĩ nhân lập quốc trong lịch sử VN (CBVNLQ), NXB Lao Động, 2013
Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam – Nhà xuất bản Thế Giới – Hà Nội 2008
Ghi chú:
39. Hỏi đáp Lịch sử Việt nam, sđd, trang 106