Nguyễn Đình Nhẫn sử dụng thành thạo máy tính bằng chân ẢNH: K.HOAN
18 năm trước, chị Nguyễn Thị Vinh (xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An) đã sốc và ngất xỉu trên bàn sinh khi nhìn thấy đứa con vừa lọt lòng không có cả hai tay. Đứa trẻ không tay sau đó thành một gánh nặng tâm lý đè nặng lên vợ chồng chị. Anh Nguyễn Đình Thuyên, chồng chị Vinh, đặt tên cho con là Nhẫn với hy vọng con mình lớn lên sẽ đủ kiên nhẫn để vượt qua nghịch cảnh của số phận.
Đứa trẻ ham học
5 tuổi, Nhẫn được đến lớp mẫu giáo. Cậu bé loay hoay tìm cách kẹp viên phấn vào giữa hai ngón chân tập viết. Cô giáo sau đó đã giúp Nhẫn viết bằng chân.
“Cô giáo đến nhà nói tui đang tập viết bằng chân cho cháu. Anh chị ở nhà cứ động viên cháu, tui tin cháu sẽ làm được. Vợ chồng tui mừng lắm nhưng cũng không dám hy vọng con mình sẽ đi học được như bạn bè”, chị Nguyễn Thị Vinh kể.
Vào lớp 1, với nghị lực và sự kiên nhẫn lạ lùng, sau giờ đến lớp, về nhà Nhẫn cứ lấy phấn kẹp vào ngón chân, rồi oằn lưng hí hoáy tập viết giữa sân. Những chữ cái, chữ số ban đầu xiêu vẹo, méo mó rồi cũng tròn dần theo năm tháng.
Anh Thuyên tự thiết kế rồi đóng cho con chiếc bàn gỗ đặc biệt, mang đến lớp để Nhẫn ngồi viết bài. 6 đứa con, 8 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng nên vợ chồng anh Thuyên phải lam lũ để làm thuê kiếm sống. Chị Vinh đã kiên trì dạy Nhẫn tự lập trong sinh hoạt. 6 tuổi, Nhẫn đã tự lấy chân xúc cơm ăn bằng thìa và làm được những việc đơn giản khác. Nhẫn ham học. “Rảnh là nó lấy sách vở ra học, không cần ai nhắc. Nhìn con vẹo sống lưng để viết cũng thương lắm”, chị Vinh nói.
Đôi chân viết tiếp ước mơ
Năm Nhẫn lên 10, anh Thuyên chạy xe công nông đi chở đá thuê thì bị xe container lấn đường tông vào dẫn đến thiệt mạng. Nhẫn mồ côi cha từ đó. Gánh nặng dồn lên vai chị Vinh, một mình làm ruộng nuôi 6 đứa con.
Khi Nhẫn vừa lên lớp 4, bài viết Đôi chân của Nhẫn đăng trên Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Cường ngụ ở Tây Ninh đã liên lạc với phóng viên nhờ làm cầu nối với chị Vinh để tiếp sức cho Nhẫn. Anh Cường nói mỗi tháng sẽ trích 200.000 đồng từ đồng lương viên chức ít ỏi của anh gửi hỗ trợ Nhẫn.
Kể từ đó đến nay, đã 10 năm tròn, vợ chồng anh Cường không sót tháng nào, cứ đều đặn bớt đồng lương của mình để chia sẻ với mẹ con Nhẫn. Sự trợ giúp không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn thêm động lực cho Nhẫn vượt khó.
Năm lên lớp 10, Nhẫn học cách nhà chừng 6 - 7 km. Một người bạn cùng xóm hằng ngày đến nhà chở Nhẫn đến trường, trưa, chiều lại đưa về. Nhẫn đã vượt qua 12 năm học với thành tích năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Trên lưng Nhẫn, giờ vai trái đã nhô lên cao khiến cơ thể mất cân bằng vì 12 năm oằn lưng ngồi học.
Sau khi Nhẫn tốt nghiệp THPT, tháng 7 vừa qua, Trường ĐH Công nghiệp Vinh đã đặc cách nhận Nhẫn vào học. Nhẫn chọn học khoa công nghệ thông tin với giấc mơ sẽ trở thành kỹ sư tin học để tự đôi chân mình có thể mở ra cánh cửa cho tương lai. Tôi đưa máy tính cho Nhẫn thử, cậu mở máy, đôi ngón chân cái gõ trên bàn phím và những dòng chữ hiện ra rất nhanh.
“Lâu nay em khát khao vào mạng để tìm kiếm và học hỏi nhưng nhà không có tiền để nối mạng nên em chỉ mới sử dụng thành thạo các thao tác thông thường trên máy”, Nhẫn nói. Năm học lớp 10, một người tốt bụng tặng Nhẫn chiếc máy tính xách tay, Nhẫn tự mày mò để học. Nhưng nay, chiếc máy ấy đã hỏng và mẹ cậu đang lo lắng vì ngày Nhẫn đến giảng đường đã cận kề.
Khánh Hoan